Việc điều chỉnh tăng giá xăng bán lẻ gần 2.000 đồng/lít ngày 5/5 là nguyên nhân trực tiếp tác động lên nhóm hàng giao thông khiên chỉ số nhóm này tăng mạnh 1,02%. Bên cạnh đó, hóa đơn tiền điện cũng đẩy chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,27% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước. Theo đó, trong tháng 5/2015, CPI đã tăng 0,16% so với tháng tháng 4 và tăng 0,95% so với cùng kỳ. Nếu so với thời điểm đầu năm, lũy kế CPI tăng 0,2%.

Nguyên nhân khiến CPI tăng so với tháng trước chủ yếu do tác động của chỉ số giá giao thông và chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng.

cpi_tang_fmaj.jpg
CPI tháng 5 chủ yếu bị tác động bởi giá xăng và nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh.

Cụ thể, chỉ số giá giao thông so với tháng 4 tiếp tục tăng mạnh 1,02%. Việc điều chỉnh tăng giá xăng bán lẻ gần 2.000 đồng/lít ngày 5/5 là nguyên nhân trực tiếp tác động lên nhóm hàng này. 

Bên cạnh đó, trong kỳ tính CPI có dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiên giá cước vận tải hành khác tại các loại phương tiện giao thông tăng giá mạnh, qua đó phần nào cũng đẩy chỉ số giá giao thông cũng như CPI tăng cao hơn.

Chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,27% so với tháng 4. Trong nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng. Khi nhiều địa phương trong cả nước bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, thêm vào đó mặt hàng này lại tính tăng giá lũy kế, do đó, hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình cũng tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, hồi đầu tháng 5, giá gas được điều chỉnh tăng cũng khiến gia tăng chỉ số giá. 

Thời tiết thuận lợi với việc nuôi trồng hoa quả, thực phẩm và nhu cầu tiêu thụ giảm khiến chỉ số giá tại nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,22% so với tháng trước. Trong đó, lương thực giảm 0,46% và thực phẩm giảm 0,29%, riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,23%. 

Do chiếm quyền số lớn nhất trong rổ tính CPI (gần 40%) nên việc nhóm lương thực, thực phẩm hạ nhiệt đã góp phần lớn trong kiềm chế tăng chỉ số CPI tháng này.

Mang tính chất mùa vụ nên trong tháng 5 này, chỉ số giá một số nhóm hàng hóa như văn hóa, giải trí và dịch vụ cũng tăng khá 0,39%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13; đồ uống và thuốc lá tăng 0,2%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%...

Nằm ngoài rổ tính CPI, chỉ số giá vàng trong tháng 5 giảm 0,27% so với tháng  trong khi chỉ số giá USD tăng 0,36%./.