Gắn bó với việc nuôi lợn nái trong nhiều năm qua, ông Phạm Văn Hoà (thôn Bình Hoà, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) cho biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp gia đình ông thiệt hại nặng nề vì dịch tả Châu Phi. Đàn lợn của gia đình ông có 4 con nái và 4 con lợn bột khác nặng hơn 60kg đều đã có dấu hiệu nhiễm dịch tả Châu Phi. Ông Hoà cho biết, biểu hiện ban đầu của lợn là chán ăn, bỏ bữa và sốt nhẹ. Mặc dù ông đã chủ động tiêm một số thuốc bổ, giúp lợn tăng cường đề kháng, nhưng chỉ được 3 ngày, con nái sắp sinh lăn ra chết, buộc phải tiêu huỷ. Những con còn lại cũng đã yếu dần.

“Gia đình trước giờ vẫn tiêu độc khử trùng liên tục, ngày mấy lần, rắc vôi bột, thuốc sát trùng. Thấy nó có hiện tượng bỏ ăn, tôi tiêm một số thuốc giảm sốt, thuốc bổ. Hiện tại chết 1 con sề, 3 con kia bỏ ăn. Không biết nói thiệt hại như thế nào mà kể”, ông Hoà buồn rầu.

Cũng ở thôn Bình Hoà, xã Chư Răng, huyện Ia Pa, cách nhà ông Hoà không xa, 2 con lợn đực và 1 nái của gia đình ông Lê Văn Theo, cán bộ thú y xã, cũng chết vì dịch tả Châu Phi. Bên cạnh khu chuồng trắng xoá vôi bột dùng để khử khuẩn, phòng lây nhiễm sang các hộ lân cận, ông Theo cho biết, từ khi lợn chán ăn, sốt tới khi chết chỉ có 4 ngày, nên mọi nỗ lực cứu chữa của ông đều vô vọng, dịch tả khiến gia đình thiệt hại gần 100 triệu đồng. Hiện dịch tả Châu Phi đang lây lan trong đàn lợn của các gia đình trong xã, nên ông chưa tính tới việc tái đàn.

“Dịch xảy ra, sẽ bị từng nhà một. Sau khi dịch hết, vệ sinh chuồng trại 2 đến 3 tháng, nhưng khi tái đàn, vẫn bị lại. Khó nhất của dịch tả Châu Phi là không có thuốc đặc trị và không có vaccine thì bà con chỉ chờ sự ăn may thôi”, ông Theo nói.

Ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho biết, đàn lợn đầu tiên chết vì dịch tả Châu Phi tại xã Pờ Tó vào ngày 6/8. Chỉ trong 1 tuần, dịch đã lây tới xã thứ 2 là Chư Răng, lợn nhiễm bệnh chủ yếu là của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính tới nay, địa phương đã tiêu huỷ 125 con, tổng trọng lượng trên 7,5 tấn. Với giá lợn hơi hiện nay khoảng 55.000 đồng/kg, nông dân địa phương thiệt hại trên 400 triệu đồng.

Theo ông Nguyên, tổng đàn hơn 9.300 con lợn của các hộ dân nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu nguy cơ cao nhất trong dịch tả Châu Phi, bởi cách nuôi nhỏ lẻ rất khó kiểm soát được nguồn lây. Đẩy mạnh phòng chống, phấn đấu sớm dập dịch, huyện Ia Pa đã lập 2 chốt kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ lợn. Cùng với đó, cán bộ thú y các xã thường xuyên tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh; không giết mổ gia súc chết; không vứt gia súc chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt, nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế dịch bệnh lây lan.

“Dịch tả lợn Châu Phi không có thuốc đặc trị và vaccine, nên chủ yếu ở đây là công tác phòng, chống dịch. Thứ nhất là thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, tiêm các loại vaccine phòng bệnh khác để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn để hạn chế thiệt hại cho bà con; khuyến cáo bà con có đàn lợn đến tuổi xuất bán thịt thì cán bộ thú y lấy mẫu, xét nghiệm nếu âm tính thì vẫn được bán trong tỉnh. Đồng thời, khuyến cáo bà con tạm dừng việc tái đàn”, Ôôg Lê Văn Nguyên cho biết thêm.

Gia Lai có tổng đàn gia súc hơn 435.000 con, chủ yếu là bò và lợn. Dịch tả Châu Phi trên lợn bùng phát khi hơn 15.300 con bò tại tỉnh đã mắc viêm da nổi cục, đang gây ra nguy cơ dịch kép trên đàn gia súc. Trong lúc này, triển khai khẩn trương những giải pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch lây lan là điều cần thiết để hạn chế thiệt hại cho nông dân./.