Báo cáo tại Hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành cùng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” diễn ra sáng 22/4, tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) nhấn mạnh: “Hoạt động đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT là một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và sự tham gia tích cực của toàn xã hội".

Theo ông Đỗ Thanh Lam, những năm qua, công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đã được các cấp, các ngành và các lực lượng chức năng chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thu được một số kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, từng bước lập lại môi trường kinh doanh lành mạnh. Tuy nhiên, tình hình chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, lợi ích của các chủ thể kinh doanh, gây tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội.

Hiện nay, Quản lý thị trường với quân số gần 6.000 người, được tổ chức từ Trung ương đến các cấp quận, huyện đã trở thành lực lượng chủ công trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trên thị trường nội địa.

Ông Đỗ Thanh Lam cho biết: Mỗi năm Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý gần 90.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả, thu được trên dưới 400 tỷ đồng, nhiều hàng hóa thu giữ với chất lượng lớn như: rượu bia giả, quần áo may sẵn, thuốc lá… Chỉ tính riêng quý I/2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 40.000 vụ, xử lý trên 25.000 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 70 tỷ đồng. Con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra. Số vụ vi phạm ngày càng gia tăng và tinh vi.

bieu-do.jpg
Kết quả công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT của Cục Quản lý thị trường những năm qua

Ông Lam lý giải nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; Trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; Nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao… có thể kể đến nguyên nhân về sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.

Ông Đỗ Thanh Lam cũng chỉ ra bất cập là nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Vì vậy, để đấu tranh trong công tác phòng và chống hàng giả, doanh nghiệp có vị trí quan trọng. Công tác chống hàng giả không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp một mặt không tham gia vào việc sản xuất, buôn bán hàng giả mà còn chủ động phòng và chống làm giả các loại hàng giả sản phẩm của mình một cách tích cực. Các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đăng ký sản xuất kinh doanh, công bố chất lượng hàng hóa, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp tại cơ quan quản lý nhà nước về SHTT; tổ chức và quản lý tốt hệ thống tiêu thụ sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng và thực hiện việc bảo hành sản phẩm…

Ông Đỗ Thanh Lam đề nghị các doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT của doanh nghiệp mình; cần xây dựng chiến lược về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả… “Về phía Cục Quản lý thị trường, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền SHTT; tạo điều kiện để các DN tham gia vào quá trình điều tra, xử lý của Quản lý thị trường khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả điều tra, xử lý các vi phạm về hàng giả, quyền SHTT”, ông Lam nhấn mạnh.

Hội thảo “Doanh nghiệp đồng hành cùng quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) phối hợp với EU – MUTRAP tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận và tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp giữa cơ quan thực thi và doanh nghiệp, đề cao vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ hàng hóa, tài sản trí tuệ của mình, tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trong thời gian tới./.