Hiện nay, tại các chợ tạm, trong các ngõ phố, vỉa hè ở Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều loại hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai. Đánh trúng tâm lý ham giá rẻ của người tiêu dùng nên các loại hàng hóa trôi nổi này tại nhiều thời điểm được mua bán khá sôi động. Điều đáng nói là cả người mua và người bán đều không quan tâm tới việc sản phẩm đó có thể gây hại tới sức khỏe của bản thân và gia đình.
Không khó để bắt gặp những sạp hàng giá rẻ tại các chợ và khắp các vỉa hè Hà Nội. Điểm nổi bật của các sạp hàng di động này là mặt hàng gì cũng có như giày dép, quần áo, hàng gia dụng, bếp hồng ngoại, nồi cơm điện, ấm siêu tốc, chăn ga gối đệm... tuy nhiên, các mặt hàng này đều có những điểm chung dễ nhận thấy: Không hạn sử dụng, không rõ cơ sở sản xuất, không có hướng dẫn sử dụng…
Việc nhận biết xuất xứ, chất lượng hàng hóa gặp nhiều khó khăn. |
Phần lớn những nơi bán hàng giá rẻ đều có hệ thống loa rao bán có công suất lớn nhằm gây sự chú ý của người đi đường. Các chủ hàng tìm mọi chiêu trò gây ấn tượng nhằm bịp người tiêu dùng, quảng cáo một đằng nhưng khi mua về dùng thì chất lượng rất kém.
Chị Nguyễn Thị Nga ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, nhiều đồ bày bán ở vỉa hè bán quảng cáo chất lượng tốt, giá cả phải chăng, đảm bảo chất lượng đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi sử dụng chất lượng hàng hóa rất kém chỉ dùng được một thời gian sẽ nhanh chóng bị hỏng.
Dạo quanh các chợ Nghĩa Tân, Mỹ Đình, Mai Động, Vĩnh Tuy, chợ Mơ, chợ tạm hay trên vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội rất dễ bắt gặp hàng giảm giá đổ đống với những tấm bảng thông báo như hàng thanh lý, hàng giảm giá, xả hàng tồn kho... Những sạp hàng này thu hút phần lớn là sinh viên, công nhân và những người có thu nhập thấp.
So với sản phẩm cùng loại như quần áo, hàng điện tử, gia dụng được bày bán trong siêu thị, trung tâm thương mại thì giá cả của các mặt hàng vỉa hè rẻ hơn, từ 30% - 70%. Khi người mua hỏi về nguồn gốc hàng hóa, các chủ hàng thường giải thích là hàng công ty thanh lý cuối năm hay hàng bị một vài lỗi nhỏ… nhưng thực tế rất nhiều trong số đó là những mặt hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo. Mặc dù vậy, nhiều người tiêu dùng hiện nay vẫn ham đồ giá rẻ.
Chị Vũ Thúy Diệp ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy bày tỏ, hàng hóa bán ở vỉa hè với giá rẻ, tiện lợi trong việc mua bán, nhưng khi dùng các sản phẩm thường nhanh bị hỏng. Chị Diệp ví dụ: Nhiều đồ sứ khi cho vào lò vi sóng ngay lập tức đã bị vỡ; quần áo mới mặc những chỗ bị sứt chỉ, chỗ thì sờn xước…
Mặc dù hàng giá rẻ, hàng không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường nhưng theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, việc phát hiện hàng giả, hàng nhái không hề dễ dàng. Khó khăn lớn nhất hiện nay của cơ quan chức năng là đối tượng buôn bán nhỏ lẻ, bán vỉa hè, bán không thường xuyên, nên khó khăn cho công tác kiểm tra, xử phạt.
Ngoài ra, hành vi làm hàng giả ngày càng tinh vi khiến việc phân biệt hàng giả, hàng nhái không chỉ bằng mắt thường mà cần có sự kiểm tra, kiểm định bằng máy móc hiện đại, tốn nhiều thời gian kiểm định.
“Việc phát hiện hàng giả không thể kiểm tra thô sơ, cần phải có nghiệp vụ, với những công tác giám định và phối hợp chặt chẽ với chủ sở hữu, các doanh nghiệp và làm nghiệp vụ từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, in ấn bao bì, kiểm soát tốt thị trường. Do vậy, vai trò của lực lượng chức năng trong đó có cơ quan hải quan, quản lý thị trường cần phải được nâng cao để so sánh, đối chiếu với các mặt hàng, phát hiện hàng giả, hàng nhái với hàng hóa đã được chứng nhận đảm bảo chất lượng”, ông Dũng cho biết.
Thời gian qua, hàng giả, hàng nhái đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cũng đã có nhiều cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua hàng giả, hàng giảm giá không rõ nguồn gốc, thế nhưng, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua và sử dụng, còn các cơ quan chức năng vẫn chưa ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan trên thị trường./.