Là địa phương có đường giao thông thuận tiện cho giao thương với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng và các tỉnh thành trên cả nước, Bắc Ninh là nơi có thị trường tiêu dùng sôi động, các địa điểm sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa cũng tập trung lớn. Do đó, trên mặt trận đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và hàng cấm rất cần sự cộng tác của người dân với các cơ quan chức năng, nhất là trong thời điểm cuối năm.

hang-gia.jpg

Trong tháng 11, qua các đợt ra quân kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, lực lượng quản lý thị trường Bắc Ninh đã kiểm tra và phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 16 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh tổ chức kiểm tra hơn 220 cơ sở và phát hiện gần 90 vụ vi phạm, phạt tiền vi phạm hành chính hơn 200 triệu đồng, đồng thời tịch thu nhiều hàng hóa vi phạm trị giá hơn 500 triệu đồng.

Là khu vực tập trung giao thương lớn của tỉnh, trên địa bàn thị xã Từ Sơn thường xuất hiện nhiều mặt hàng sản phẩm đồ mỹ phẩm nhập khẩu nhưng không có tem phụ khá phổ biến. Do mặt hàng có giá trị không lớn và được bày bán nhiều, song hễ thấy bóng dáng cán bộ quản lý thị trường, các hộ kinh doanh lại tìm cách che dấu, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, thời gian vừa qua, Đội quản lý thị trường số 2, Chi cục quản lý thị trường Bắc Ninh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả có quy mô lớn.Ông Nguyễn Phi Long– Đội Phó Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: “Chúng tôi phát hiện hàng giả theo cảm quan, nếu mặt hàng nào chúng tôi thấy nghi ngờ sẽ yêu cầu cơ quan quản lý về chuyên môn đó kiểm tra. Riêng mặt hàng xăng dầu chúng tôi kết hợp với cơ quan tiêu chuẩn đo lường của Bắc Ninh lấy mẫu và gửi đến Viện Khoa học hình sự mới biết thật hay giả. Chức năng của chúng tôi không thể biết mặt hàng đó là giả”.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ đang bày bán trên thị trường, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã chủ động các biện pháp chống hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu và gian lận thương mại. Lực lượng chức năng đã thực hiện hàng nghìn lượt kiểm tra thu giữ 42 danh mục đơn vị hàng hóa, với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy, các hành vi vi phạm phổ biến là: Trốn thuế; sai phạm trong đăng ký kinh doanh; lĩnh vực về giá; buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... Bên cạnh công tác kiểm tra, quản lý thị trường Bắc Ninh đã thực hiện ký cam kết đối với cơ sở kinh doanh không mua bán hàng giả, hàng nhái; không vận chuyển, tàng trữ, mua bán đèn trời, pháo nổ, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực; tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các cơ sở kinh doanh.

Ông Vũ Mạnh Hải, Chi Cục phó Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh nói: Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị, các đội ở dưới các huyện, thị xã tập trung kiểm tra các mặt hàng giả. Qua kiểm tra trong thời gian qua, chúng tôi đã thu được một số mặt hàng giả như: xà phòng giả OMO ở huyện Thuận Thành; mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto tập trung thu ở các chợ tại Tiên Du và Từ Sơn. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục chỉ đạo tập trung vào các mặt hàng bình ổn giá, kiểm tra giá và niêm yết giá, bán theo giá niêm yết”.

Theo quy luật, những tháng cuối năm, lưu lượng hàng hóa trao đổi thường tăng mạnh trên thị trường, chủng loại, mẫu mã phong phú...nhưng kéo theo đó là các biểu hiện lộn xộn, thiếu lành mạnh của thị trường cũng gia tăng. Hàng hóa thiết yếu có sức tiêu thụ mạnh trong thời điểm cuối năm như: Thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử, may mặc, ấn phẩm văn hóa…dễ bị làm giả, làm nhái và được trà trộn bày bán trên thị trường.

Để bảo đảm cho một thị trường lành mạnh, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong cuộc chiến này, rất cần sự hợp tác của người dân. Đó là việc hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc tố giác những hành vi vi phạm trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng dễ bị làm giả, làm nhái, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu./.