PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến nay, đa số các ngành trong nền kinh tế nước ta đã có sự cạnh tranh trên thị trường, song ngành điện vẫn ở thế độc quyền, đang vận hành theo mô hình liên kết dọc truyền thống. 
EVN độc quyền quá lâu…
Tham luận của PGS, TS Ngô Trí Long tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2012 cho biết, hiện nay các bên tham gia vào thị trường phát điện tại Việt Nam là các công ty Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và các nhà sản xuất điện độc lập (IPPs) và dự án BOT nước ngoài. Các công ty Nhà nước chiếm thị phần rất lớn trong sản xuất điện. 
giadien1than2.jpg
PGS, TS Ngô Trí Long: EVN nắm giữ độc quyền kinh doanh điện quá lâu (Ảnh: vtc)
EVN hiện đang sở hữu phần lớn công suất các nguồn điện, nắm giữ toàn bộ khâu truyền tải, phân phối và kinh doanh bán lẻ điện. EVN cũng giữ vai trò là đơn vị mua điện duy nhất, Tổng Công ty mua bán điện thuộc EVN mua điện năng từ các nhà máy điện khác ngoài EVN như PVN, TKV... để phân phối và bán lẻ điện cho các hộ tiêu thụ điện. Có thể nói, “cho đến nay EVN vẫn là tổ chức độc quyền kinh doanh điện trong toàn quốc, chưa có sự cạnh tranh ở bất cứ hoạt động nào trong các khâu của ngành điện”- ông Long khẳng định.
“Trong những năm gần đây, hoạt động của EVN kém hiệu quả, sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ hằng năm tăng cao, dẫn tới thiếu nguồn vốn cho đầu tư phát triển, vay vốn rất khó khăn, thiếu minh bạch và mất lòng tin với khách hàng mỗi khi đề xuất việc tăng giá điện. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do sự phát triển chậm chạp thị trường điện cạnh tranh, EVN nắm giữ độc quyền kinh doanh điện quá lâu”- ông Long nhấn mạnh.
Biểu giá còn mang nặng cơ chế hành chính, thiếu minh bạch
Theo PGS, TS Ngô Trí Long, biểu giá điện hiện hành tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở giá thành bình quân toàn ngành có tính đến yếu tố đầu tư phát triển và chính sách xã hội. Giá điện bình quân được xác định trên cơ sở của giá thành bình quân toàn ngành và thuế thu nhập. Hệ thống biểu giá bán lẻ điện phân theo nhóm đối tượng khách hàng; phân cấp theo điện áp, theo giờ trong ngày.
Biểu giá điện sau mỗi lần điều chỉnh có được cải thiện, tuy nhiên, ông Long khẳng định: “vẫn chưa đáp ứng được 3 mục tiêu chủ yếu của giá điện: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, khả thi tài chính”.
Theo ông Long, biểu giá điện và ban hành các kỳ điều chỉnh giá điện còn chưa thuyết phục, mang nặng cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, thiếu minh bạch nên khó thuyết phục được sự đồng thuận của các nhà khoa học, quản lý, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện.
Phương pháp xây dựng biểu giá điện hiện nay chủ yếu dựa trên chi phí thống kê hạch toán giá thành của EVN (chưa đủ độ tin cậy- ông Long lưu ý). Cách tính giá điện này, ông Long cho là với mục đích bù lỗ mà không tính đến nguyên nhân và các biện pháp giảm chi phí; điều chỉnh giá điện mới chú ý đến làm tăng giá điện mà chưa quan tâm đến giảm giá điện như mùa nước và việc tăng công suất các nhà máy thuỷ điện, giảm tổn thất, giá thành...
Cách tính giá điện lũy tiến như hiện nay, theo ông Long, đang bao cấp giá cho cả hộ nghèo lẫn hộ giàu và các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư, khi sản xuất sản phẩm giá rẻ vì hưởng lợi từ giá điện thấp, nhưng xuất bán ra ngoài với giá cao. Tính công ích, xã hội trong giá điện, như mục đích ban đầu của nó, đã không thể hiện rõ nét.
Bất cập của giá điện như trên là khó tránh khỏi khi cơ chế hoạt động của EVN đang có sự chồng chéo giữa phần kinh doanh và công ích. Mặt khác, với cơ chế Nhà nước không bù lỗ mà ngành điện tự bù chéo, lấy điện giá rẻ (chủ yếu là thủy điện) bù nguồn điện giá cao hơn, khi xảy ra thiên tai, hạn hán, nguy cơ thiếu điện sẽ lại hiển hiện cùng áp lực tăng giá điện…
Theo ông Long, về lâu dài, giá điện cần chuyển sang cơ chế thị trường, khi đó vai trò điều tiết của Nhà nước chủ yếu thể hiện ở các quy định của Luật Điện lực, mà các bên tham gia thị trường điện phải tuân thủ chặt chẽ.
Giá điện cần được định giá độc lập
Theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được thực hiện sau năm 2022. Theo đó, giá điện sẽ dần được vận hành theo cơ chế thị trường. Trong giai đoạn trước mắt, giá điện thấp, cùng với khó khăn của ngành điện là một thực tế rõ ràng. Vì thế, ông Long cho rằng, việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi, thậm chí nên làm, vấn đề quan trọng là cần thay đổi nhận thức về tăng giá điện và cách thức tăng. 
Với quan điểm của ông Long, việc tăng giá điện không phải để bắt kịp các nước xung quanh, hay để bù lỗ cho ngành điện đơn thuần, mục đích chính của nó là tạo điểm nhấn để góp phần tái cơ cấu cả nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh thực chất của các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu. 
Theo đó, nên tăng giá điện sản xuất trước tăng giá điện sinh hoạt, nhằm loại thải dần thói quen tận dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng trong nhiều lĩnh vực, của không ít nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Trong ngắn hạn, việc tăng giá điện sẽ làm tăng lạm phát, giảm tăng GDP, song về dài hạn, sẽ có lợi rất lớn cho nền kinh tế, sàng lọc và loại thải những hiện tượng tăng trưởng “ảo”, sức cạnh tranh “ảo” núp bóng giá điện thấp, coi trọng chất lượng thay vì số lượng tăng trưởng của nền kinh tế. 
Hơn nữa, chính giá điện rẻ đã kích thích nhu cầu sử dụng điện tăng nhanh và làm cho các nhà đầu tư, các chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến việc sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm.  
Ông Long đề xuất: Giá điện nên được một đơn vị, tổ chức định giá độc lập, uy tín định giá. EVN cũng nên công khai cơ chế tính giá, cùng một cam kết cải cách ngành điện hợp lý nhất, tăng giá phải có lộ trình, từng bước và gắn với tăng chất lượng điện./.