“Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phải trả lời trước công luận và Quốc hội về hạch toán giá thành sau khi có báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về những sai phạm của tập đoàn này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội – Nguyễn Đức Kiên cho biết.
EVN phải giải trình trước Quốc hội
Từ báo cáo kết luận của TTCP về những sai phạm đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ của công tư 45.000 tỉ đồng; mua xe, xây nhà, bể bơi... tại EVN không làm các chuyên gia bất ngờ. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyện này đã được bà nghi ngờ từ lâu.
Bà Lan cũng cho rằng, không phải EVN thu lãi được từ giá thành bán điện thì có thể chi tiêu theo kiểu mua sắm "xa xỉ phẩm" như vậy. Bà cũng yêu cầu TTCP cần phải vạch rõ địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể tại EVN trước những sai phạm này.
EVN phải đưa ra bằng chứng chứng minh hạch toán riêng thế nào, lãi bù lỗ ở đâu. |
Trao đổi với báo chí, trả lời thận trọng hơn, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, tất cả cần phải chờ kết luận của Thủ tướng mới có thể đưa ra được đánh giá khách quan.
Tuy nhiên, ông Kiên đặt câu hỏi: "EVN giải thích chuyện mua xe vượt quá mức quy định là như thế nào? EVN hạch toán như vậy có đúng luật hay không? Và như vậy thì Luật thực hành tiết kiệm nằm ở đâu?"
Với cương vị là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Kiên yêu cầu "EVN phải có câu trả lời công khai, minh bạch trước công luận, báo giới và Quốc hội về nguyên tắc hạch toán thu chi".
Ông Kiên cho biết, nếu mua xe vượt quá quy định rồi đưa chênh lệch vào giá bán điện thì không thể chấp nhận được. Nhưng nếu họ hạch toán bằng quỹ phúc lợi thì có thể chấp nhận được.
EVN đừng bao biện
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: "Từ trước tới nay, đối với EVN đã có rất nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Vì EVN là một doanh nghiệp độc quyền, nếu nhà nước kiểm soát không tốt EVN sẽ hoạt động không mục đích là dễ hiểu".
Ông Long phân tích thêm, từ những con số TTCP công bố cho thấy, vấn đề quản lý điều hành hoạt động của tập đoàn này là rất kém. Điều này chứng minh EVN không đi vào chăm lo cho lĩnh vực chính của mình mà lại phân bổ nguồn vốn tay ngang đầu tư vào lĩnh vực khác.
Kết luận của TTCP là bằng chứng chứng minh những sai phạm, đầu tư không hiệu quả của EVN, ỉ thế độc quyền gây thất thoát, lãng phí tiền của nhà nước.
Cũng theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc EVN giải thích con số ngoài ngành của họ chỉ có 2 ngàn tỉ, đồng thời lý giải chuyện mua xe, xây nhà… là hạch toán riêng, không tính vào giá điện, khoản tiền mua xe vượt quy định sẽ được bù bằng lợi nhuận sau thuế của EVN là hoàn toàn không thuyết phục.
Đó chỉ là những lời bao biện cho hành vi sai trái của họ bởi khi TTCP vào cuộc, đã có thông báo chắc chắn họ phải rất thận trọng và chính họ phải chịu trách nhiệm trước kết luận đó.
Về vấn đề nhiều doanh nghiệp đang bị truy thu thuế, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, "Hiện tượng này đã bị Tổng Cục hải quan nhắc nhở và yêu cầu truy thu hàng trăm ngàn tỉ đồng. Điều này cho thấy các tập đoàn này đã không thể hiện hết vai trò, vị thế của một tập đoàn kinh tế trụ cột, một người anh cả trong nền kinh tế của đất nước. Đồng thời, nó cũng đặt ra vấn đề về lỗ hổng trong quản lý nhà nước, vai trò của Tổng Cục thuế trong việc quản lý, kê khai để các tập đoàn này quên đóng thuế mà không ai bị xử lý"./.
Trốn thuế 500 triệu, xử lý 3 năm tù. Còn EVN?
Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, cách giải thích của EVN là chưa thỏa đáng, mập mờ.
"Không hiểu EVN đầu tư ra ngoài ngành trên phương diện và được bảo lãnh thế nào. Vì đối với một doanh nghiệp bình thường chắc chắn không đủ sức đi vay để đầu tư vượt vốn ngoài ngành quá lớn như vậy được. Đây cũng là điều cần phải xem lại về cả lĩnh vực quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp", ông Phong cho biết.
Một vấn đề khác khiến cho dư luận cũng như chuyên gia này quan tâm là việc EVN tính chi phí xây nhà, mua xe, bế bơi... vào giá bán điện rồi bắt dân gánh chịu, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, EVN giải thích thế nào cũng không bằng trưng ra được "bằng chứng" chứng minh hạch toán riêng thế nào, lãi bù lỗ ở đâu...
"Rõ ràng có dấu hiệu bất minh trong hoạt động đầu tư, hạch toán khiến dư luận không cảm thấy thỏa đáng", ông Phong nói.
Trước thông tin các tập đoàn lớn của nhà nước bị truy thu hàng trăm ngàn tỉ tiền thuế, ông Phong nhấn mạnh: "Việc trốn thuế là khó có thể chấp nhận được, nhất là với những tập đoàn kinh tế lớn, với vai trò trụ cột, người anh cả của nền kinh tế. Tôi ví dụ có trường hợp chỉ trốn thuế có 500 triệu mà đã bị xử lý phạt tù tới 3 năm. Nếu trốn thuế lên tới hàng ngàn tỉ thì cần phải truy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. Trước hết, là chính những người đứng đầu, sau đó là nhưng đơn vị, cá nhân liên đới"./.