Doanh nghiệp cần quan tâm đến việc duy trì dòng chảy sản xuất, kinh doanh bằng hợp đồng điện tử. Đây là khuyến nghị được chuyên gia pháp lý đưa ra trong tình hình thực hiện giãn cách ở nhiều địa phương như hiện nay.

Hiện nay, tình trạng giãn cách ở nhiều địa phương khiến doanh nghiệp không thể gặp mặt ký kết hợp đồng. Do đó, chuyên gia pháp lý lưu ý, có những loại hợp đồng cần tuân thủ quy định nhất định, như hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng, chứng thực.

Trong điều kiện giãn cách, 2 bên ký hợp đồng không thể đến địa điểm giao kết được, nhưng nếu là giãn cách từ một phía, tức là nơi thực hiện công chứng chứng thực không bị giãn cách, thì bên bị giãn cách có thể thực hiện hình thức ủy quyền để ký kết hợp đồng.

Đối với hợp đồng thương mại nói chung, chuyên gia pháp lý khuyến nghị doanh nghiệp có thể vận dụng phương thức ký hợp đồng với chữ ký điện tử và có điều khoản giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại, vì hình thức này hoàn toàn có giá trị pháp lý khi xem xét tại cơ quan trọng tài thương mại.

PGS.TS Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC chia sẻ kinh nghiệm cho thấy, tranh chấp hợp đồng thương mại không yêu cầu có hình thức nhất định, trừ trường hợp bằng văn bản.

“Văn bản hiện nay hiểu theo nghĩa rộng hoàn toàn có thể xác lập hợp đồng theo hình thức điện tử. Ở VIAC đã từng xử vụ án các bên xác lập hợp đồng bằng chữ ký điện tử, hiện nay với doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm cơ chế đó. Doanh nghiệp chỉ cần scan, email văn bản và sau khi hết dịch cần lưu ý xác nhận bằng văn bản chính thức để đỡ tranh chấp. Trong bối cảnh giãn cách hoàn toàn, doanh nghiệp có thể giao kết điện tử, chữ ký điện tử và hoàn toàn có giá trị pháp lý ở VIAC”, ông Đại chia sẻ./.