Nông dân thua thiệt, có trách nhiệm của Bộ Công Thương

Trong phiên chất vấn tại UBTV Quốc hội sáng 1/4, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương rằng, ai phải chịu trách nhiệm đã để nông dân trong suốt hàng chục năm qua lặp đi lặp lại cảnh được mùa là rớt giá, thậm chí đã phải bán đổ bán tháo sản phẩm, nuốt nước mắt vào trong để vứt bỏ chính các sản phẩm mà mình đã phải đổ tiền bạc, công sức bón trồng... làm thu thiệt nhiều cho người nông dân, nhất là khi lực lượng này đang chiếm tới hơn 60% dân số?

mualuagaovn.jpg
Thương lái thu mua lúa tại ruộng (Ảnh: KT/Haiquan)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, để xảy ra tình trạng này, “trách nhiệm có phần của Bộ Công Thương”. Cụ thể, việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân, nhất là xuất khẩu, Bộ Công Thương được giao làm đầu mối xuất khẩu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Đối với mặt hàng lương thực, Việt Nam có 2 tổng công ty lương thực là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam chịu trách nhiệm chính trong việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân”. 

Đối với các thị trường, ngoài xúc tiến thương mại, đã tham gia đàm phán, ký kết rất nhiều hiệp định khu vực mậu dịch tự do với các đối tác để tìm ra nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam, trong đó có nông sản với những ưu đãi. Trên thực tế, từ khi Việt Nam thành thành viên WTO (năm 2007), chúng ta đang thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do, đang đàm phán 6 hiệp định khác. Đây là các kênh hết sức quan trọng để góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản và của đất nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương có phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT để đấu tranh với các biện pháp vi phạm các pháp luật về thương mại quốc tế như là áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp... Tuy nhiên, “dù cố gắng, Bộ Công Thương cũng chưa làm hết được theo yêu cầu trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận.

Người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi về giá sản phẩm

Cũng Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, với các câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề tiêu dùng? Những người lao động Việt Nam từ nhiều năm nay đã phải mua những sản phẩm đắt hơn rất nhiều so với giá bán của người sản xuất, mặc dù khoảng cách địa lý không xa là bao? Ví dụ, hiện người tiêu dùng Việt Nam đang phải ăn gạo Việt Nam đắt như giá gạo xuất khẩu. Vậy vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng và Bộ Công Thương thế nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích: Chúng ta đang thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trừ những mặt hàng thuộc diện nhà nước quản lý như xăng dầu, diện. Còn hiện nay, những mặt hàng khác, người sản xuất, đặc biệt là người cung cấp sản phẩm này thực hiện theo các quy định của pháp luật về giá (công khai, có niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết). Nếu không thực hiện đúng quy định, bán sai giá niêm yết... lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, xử lý.

Còn về cơ cấu, sự hợp lý của giá sản phẩm, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, theo phân công chức năng quản lý nhà nước, ngành Tài chính chịu trách nhiệm với các vấn đề về giá sản phẩm. “Tôi thừa nhận và thấy rằng, bức xúc về người tiêu dùng hiện nay đang chịu nhiều thiệt thòi, trong đó có vấn đề giá. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát, nghiêm khắc xử lý các sai phạm”./.