Sau khi chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ chính thức triển khai, trong một tuần đầu giá lúa các loại tăng nhẹ. Tuy nhiên, do doanh nghiệp chần chừ thu mua đã làm giá lúa chững lại và bắt đầu giảm liên tục.
Tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện lúa IR 50404 được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 4.200 đến 4.300 đồng/kg, lúa hạt dài giá từ 4.600 đến 4.700 đồng/kg, giảm từ 100 – 200 đồng/kg so với chưa triển khai thu mua. Giá lúa giảm nhưng vẫn rất khó bán, thương lái chỉ đến xem lúa rồi để đó mà không chịu bỏ cọc. Riêng lúa chất lượng cao Jasmine 85 giá chỉ còn 4.850 đồng/kg nhưng nông dân vẫn không bán được .
Thương lái thu mua lúa của nông dân Càng Long - Trà Vinh ( ảnh Hữu Trãi) |
Theo giới thương lái, khi có thông tin mua lúa tạm trữ hầu hết thương lái đều tung vốn ra đặt cọc để thu mua lúa nhằm chuẩn bị cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến theo kiểu đón đầu, kéo giá lúa nhích lên vài ngày. Tuy nhiên, mấy ngày nay doanh nghiệp Nhà nước hầu như vẫn chưa đẩy mạnh thu mua nên các thương lái chỉ cung ứng cho các nhà máy nhỏ, cung cấp cho thị trường nội địa. Vì vậy giá lúa lại quay đầu giảm trở lại. Ngoài ra, thông tin Thái Lan bán lúa ra cũng tác động ít nhiều đến giá lúa trong nước.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, cũng trong tình cảnh tương tự. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, vụ lúa Đông Xuân 2013-2014, toàn tỉnh xuống giống được hơn 141.000 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 75% diện tích. Việc giá lúa liên tục biến động nhiều ngày qua đã khiến rất nhiều bà con lo lắng.
Nhiều nông dân cho biết, sau khi giá lúa có dấu hiệu tăng từ giữa tháng 3 này thì khoảng 1 tuần nay, lúa lại tiếp tục có dấu hiệu tụt dốc từ 200-300 đồng mỗi kg. Đáng lo lắng hơn, khi lúa Đông Xuân của tỉnh còn chưa thu hoạch dứt điểm thì một số diện tích lúa vụ Xuân Hè sớm tại một số địa phương cũng bắt đầu bước vào thu hoạch.
Ông Sơn Hoàng Sang, ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú đang ngồi đợi thương lái đến cân lúa vụ Xuân Hè sớm của gia đình vừa thu hoạch xong cho biết: “Ba bốn ngày nay giá lúa liên tục tụt, từ 200 – 300 đồng một kg, bây giờ loại lúa 504 còn có 4.300 đồng, trước đây là 4.500 đồng. Còn giống lúa 4900 cũng giống vậy, hồi đầu 5.100 đồng – 5.150 đồng/kg, bây giờ cũng đã giảm xuống.”
Tại tỉnh Kiên Giang, địa phương có sản lượng lúa gạo hàng năm lớn so các tỉnh ĐBSCL đến thời điểm này, 7 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh đã thu mua tạm trữ được hơn 22.000 tấn gạo trong tổng số chỉ tiêu được phân bổ là 84.000 tấn gạo. Giá thu mua trong thời điểm hiện nay có cao hơn từ 100 – 300đ/kg lúa so với nửa tháng trước. Kiên Giang cũng đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 52% tổng diện tích gieo sạ, năng suất bình quân ước đạt 6,9 tấn/ha.
Riêng sản lượng vụ lúa mùa và đông xuân năm nay của tỉnh ước khoảng 2,4 triệu tấn, tương đương hơn 1 triệu tấn gạo. Trong khi đó chỉ tiêu thu mua giao cho tỉnh chỉ có 84.000 tấn gạo, chiếm khoảng 8,4 % so với tổng số lúa hàng hóa của tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương Kiên Giang cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo vẫn không mặn mà với việc thu mua tạm trữ do không có thị trường đầu ra.
3 tháng đầu năm nay, tuy giá xuất khẩu có cao hơn cùng kỳ năm ngoái 44 USD/tấn nhưng lượng xuất khẩu rất thấp. Đến thời điểm này Kiên Giang mới chỉ xuất khẩu được khoảng 100.000 tấn gạo trong chỉ tiêu đề ra là 1 triệu 100 tấn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về những khó khăn trong thu mua lúa, ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Nguyên tắc hợp đồng theo quyết định của Bộ Công thương thì doanh nghiệp xuất khẩu phải có ký kết hợp đồng. Sở Nông nghiệp đã triển khai nhưng ở đây có cái khó là HTX và hộ dân bắt doanh nghiệp mua lúa ướt, còn doanh nghiệp thì chỉ muốn mua lúa khô và gạo. Vì vậy việc mua lúa gạo phải thông qua thương lái.”
Chính phủ có chủ trương thu mua lúa tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo cho nông dân, thời gian từ ngày 15/3 đến 30/4/2014. Doanh nghiệp thu mua được hỗ trợ tối đa 6 tháng lãi suất (kể từ 20/3) là 7%; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 4 tháng đầu 100% lãi suất. Tuy nhiên, do thị trường xuất khẩu khá trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh thu mua nên giá lúa tại ĐBSCL vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Trong khi lúa Đông Xuân ở nhiều tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch, chưa tiêu thụ hết thì một số diện tích lúa vụ Xuân Hè sớm tại một số địa phương cũng bắt đầu bước vào thu hoạch. Điều này sẽ làm cho số lượng lúa tồn kho ngày càng nhiều và giá lúa sẽ có nguy cơ sụt giảm nếu không giải phóng hết lượng lúa hàng hóa lúa đông xuân.
Do vậy, việc kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng về thời gian mua, số lượng, thời gian tạm trữ đối với các doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa tạm trữ, được hưởng hỗ trợ lãi suất trong thời điểm này là điều cần thiết. Cần xử lý theo quy định những doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm. Có như thế chủ trương mua lúa tạm trữ ở ĐBSCL của Chính phủ mới được thực hiện nghiêm túc và sẽ đảm bảo quyền lợi cho nông dân trồng lúa hiện nay./.