ĐBSCL hiện có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa, 800.000 ha nuôi thủy sản và 300.000 ha trồng cây ăn quả. Từ lâu nơi đây được mệnh danh là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản với sản lượng 3 sản phẩm này luôn chiếm từ 65-80% sản lượng của cả nước, trong đó riêng gạo xuất khẩu toàn vùng đóng góp hơn 90%.
Với số người trong độ tuổi lao động là hơn 10 triệu người, trong đó đa số lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp nên sản lượng nông sản hàng hóa làm ra của vùng hàng năm là rất lớn. Do vậy vấn đề tìm thị trường đầu ra cho nông sản hàng hóa, nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường trong vùng luôn là vấn đề cấp bách hơn lúc nào hết.
Những ngày qua, ở khu vực ĐBSCL rộ lên tình trạng thương lái thu mua cau non, hoa thanh long để bán cho Trung Quốc. Điều đáng nói là cả người bán lẫn thương lái cũng không hề biết về mục đích của việc thu mua sản phẩm này. Hay mới đây câu chuyện hành tím ở trong vùng phải nhờ giải cứu của cộng đồng mới đỡ bí bách về đầu ra, nay lại xuất hiện tình trạng người trồng ổi điêu đứng vì trồng hàng ngàn ha, sản lượng lên đến hàng ngàn tấn mà không có nơi tiêu thụ.
Theo quy luật kinh tế, để đảm bảo sản phẩm hàng hóa làm ra tiêu thụ được thì phải sản xuất theo tín hiệu thị trường, có nhu cầu mới nảy sinh yêu cầu về cung cấp và sản xuất. Vấn đề đặt ra là ai là người giúp nông dân nhận biết được tín hiệu thị trường? hoạch định chiến lược sản xuất hàng hóa nông sản hay để nông dân “tự bơi” trong cơ chế thị trường?
Thực ra hiện nay ở hầu khắp các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đều có các trung tâm xúc tiến thương mại, các tổ chức hội, đoàn thể, các doanh nghiệp; trên Trung ương thì có các bộ chủ quản như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương; các tham tán thương mại của Bộ Ngoại giao; tổ chức hội, hiệp hội các ngành nghề...
Thời gian qua, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường ở trong và ngoài nước, song rõ ràng là để tình trạng nông dân sản xuất theo kiểu tù mù về thông tin thị trường như hiện nay thì những việc làm kể trên vẫn chưa đạt hiệu quả, chưa thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt căn cơ và bài bản của các cấp quản lý.
Nhiều ý kiến của các nhà quản lý cũng cho rằng, nông dân cũng nên tìm hiểu để sản xuất theo tín hiệu thị trường, không sản xuất đồng loạt, ồ ạt, tránh tái diễn tình trạng “trồng - chặt”. Đây là khuyến cáo đúng song có một thực tế trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay là với đất đai rộng lớn, trù phú, lực lượng lao động vẫn chiếm đa số, trong khi các ngành nghề khác chưa phát triển nên nông dân ĐBSCL vẫn phải coi sản xuất nông sản là cứu cánh của mình.
Bởi không sản xuất thì không những không có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày mà có khi lại rơi vào hoàn cảnh “nhàn cư vi bất thiện”; và một khía cạnh tâm lý nữa là rất nhiều nông dân do quen với “một nắng hai sương” nên nếu đất để hoang là không chịu nổi, rất sốt ruột.
Điều này cho thấy, người nông dân luôn thiết tha với ruộng vườn và luôn chăm bẵm muốn làm ra nhiều sản phẩm. Đây là một tín hiệu tốt cho một nền nông nghiệp phát triển. Do vậy trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp là theo sát với nông dân để thông tin, định hướng thị trường, định hướng sản xuất; gắn nông dân với doanh nghiệp; tổ chức ra các mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả để hướng nông dân học tập và làm theo.
Cùng với công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật còn nên giúp nông dân tìm tìm hiểu, học tập về thị trường, học về kinh doanh nông sản. Để làm được điều này đòi hỏi sự trách nhiệm,tâm huyết của các cấp quản lý từ vi mô đến vĩ mô, từ Trung ương đến địa phương mà trước tiên là chính sách đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hiểu biết về kinh tế thị trường cho nông nghiệp, nông thôn.
Có như vậy mới giúp nông dân làm ra sản phẩm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, chấm dứt tình trạng sản xuất nông sản theo kiểu tù mù thông tin về thị trường như hiện nay./.