Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu có tuyến luồng tàu dài 46,5 km. Thực hiện  dự án này, Bộ Giao thông Vận tải  cho đào mới đoạn kênh tắt cắt qua quốc lộ 53 và đê Hải Thành Hòa, dài 8,2km để thông luồng từ biển vào sông Hậu thông qua Kênh Chánh Bố.

vov_de_hai_thanh_hoa_hktz.jpg
Tuyến đê Hải Thành Hòa lầy lội, gây khó khăn cho người dân lưu thông

Sau khi thông luồng kỹ thuật có  4 xã thuộc huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã bị chia cắt thành “xã đảo”, điều này đồng nghĩa với tuyến giao thông huyết mạch bằng đường bộ đã bị cắt đứt, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông hàng hóa và sinh hoạt của người dân.

Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải nhằm mở luồng cho tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu. Đáp ứng thông qua hàng hóa tổng hợp từ 21 – 22 triệu tấn/năm, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế -  xã hội vùng Tây Nam Bộ.

Đầu năm nay, sau khi  thông luồng kỹ thuật, huyện Duyên Hải có 4 xã, thị trấn bị chia cắt với đất liền là: Thị trấn Long Thành, xã Long Khánh, xã Long Vĩnh và xã Đông Hải, làm cho 38.000  người dân trên diện tích 52.000 ha bị ảnh hưởng. Trước đây, người dân nơi đây đi về trung tâm huyện Duyên Hải và tỉnh lỵ Trà Vinh bằng đường tỉnh lộ 913 và quốc lộ 53 thì nay phải đi bằng phà, mất nhiều thời gian, rất bất tiện và tốn kém.

Ông Tăng Văn Mừng, ở ấp Đông Thành, xã Đông Hải nhiều năm sống  tại địa phương này cho biết, từ ngày cắt kênh người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về đường đi và giá cả thị trường, sản xuất không có đầu ra.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Trà Vinh đã cho xây dựng cầu tạm, tải trọng 5 tấn, bắc qua sông Động Cao, phục vụ cho người dân xã Đông Hải và một số xã lận cận lưu thông bằng đường bộ trên tuyến đê quốc phòng Hải Thành Hòa. Tuy nhiên, do đây là con đường huyết mạch, tất cả các phương tiện vận chuyển hàng nông sản ở khu vực xã đảo đều tập trung qua đây, trong khi tuyến đê này tải trọng giới hạn 2 tấn, nên dẫn đến nhiều đoạn đê bị sụt lún, xuống cấp trầm trọng.

Đê biển Hải Thành Hòa đi qua địa phận xã Đông Hải, huyện Duyên Hải có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 18 km, đi qua 5/7 ấp của xã; trong đó, đoạn đi qua địa bàn 3 ấp Định An, Hồ Thùng và Đông Thành dài hơn 10 km, là tuyến giao thông huyết mạch, đảm bảo vận chuyển hàng nông sản của hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp cập tuyến đê, cũng như việc lưu thông đi lại của hơn 700 hộ dân trong khu vực.

Ông Lữ Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết, do tuyến đường xuống cấp, vận chuyển hàng hóa khó khăn, nên nông sản làm ra luôn bị thương lái ép giá, ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của bà con. Do vậy, UBND xã đề xuất với các cơ quan chức năng cần khẩn trương đầu tư gia cố lại tuyến đê này.

Tuyến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng do không được nâng cấp

Ông Phan Anh Quốc – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trà Vinh cho hay, từ khi bị chia cắt giao thông, người dân ở 4 xã nói trên gặp rất nhiều khó khăn. Để lưu thông, người dân phải qua 2 phà gồm: Phà Kênh Tắt và phà 93, tỉnh đã miễn thu tiền nhằm hỗ trợ cho bà con. Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Trà Vinh đã  kiến nghị Bộ Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ xây dựng 10 tuyến đường, trong đó, tuyến Đê Bắc và Đê Nam do Bộ làm chủ đầu tư và 8 tuyến đường khác do tỉnh đầu tư để liên kết giao thông lại với tỉnh lộ và quốc lộ 53 với tổng kinh phí khoảng 800 tỷ đồng.

Tuyến đê quốc phòng Hải Thành Hòa cũng đồng thời là tuyến giao thông huyết mạch trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa của người dân, sau khi cắt đê để thông luồng, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển hàng hóa cho 765 lượt hộ nông dân xã Đông Hải với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện tại thì việc tiêu thụ hàng nông sản, cũng như việc giao lưu, đi lại của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn do tuyến đê xuống cấp. Sở Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư kinh phí xây dựng các tuyến đường kết nối giao thông giữa 4 xã đảo với đất liền, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, để người dân ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất./.