Lâu nay những rào cản trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn, tài sản thế chấp để đóng mới tàu đánh cá đã làm cho nhiều ngư dân nản lòng. Cơ chế cho ngư dân vay vốn hiện còn vướng nhiều thủ tục. Tại phiên họp thường kỳ chính phủ ngày hôm qua (29/5), Chính phủ đưa ra dự thảo nghị định và được các thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm tính toán giúp ngư dân được vay ưu đãi để đóng tàu vỏ sắt, vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản an toàn. Thông tin đáng chú ý là sắp tới có thể xem xét cho ngư dân vay với lãi suất 3%/năm và cho vay trong vòng 10 năm, ân hạn 1 năm. Người đi vay có thể thế chấp thân tàu, và thân tàu được bảo hiểm. Nếu chính sách này được ban hành sẽ tháo gỡ được “nút thắt” thiếu vốn cho bà con ngư dân trong việc hiện đại hóa đội tàu đánh cá.
Đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm (Ảnh: KT) |
Ông Trần Quang Trung, ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đang khẩn trương hoàn chỉnh con tàu đóng mới có công suất gần 500 CV. Để đóng con tàu này, ông phải cầm cố cả đôi tàu hiện có giá trị gần 5 tỷ đồng, cộng với thế chấp nhà cửa, đất đai của mình mới vay được 1 tỷ đồng của Ngân hàng. Theo ông Trung, việc Nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn sẽ giúp cho bà con mạnh dạn đầu tư tàu to, máy lớn vươn ra khơi xa.
“Ngày trước nếu có tài sản chính thì người dân mới được vay còn không có tài sản chính để thế chấp thì không được. Nếu nhà nước áp dụng chính sách mới thì bà con sẽ được lợi và dễ dàng vay hơn nhiều. Đóng tàu sắt mà cho vay vốn ưu đãi đến 90% giá trị của tàu thì được lợi quá”, ông Trung cho biết.
Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét về chính sách hỗ trợ ngư dân khi vay vốn để đóng mới, cải tiến, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần, ngư dân sẽ được sử dụng chính những tài sản này để thế chấp vay vốn. Theo đó, về vốn vay đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, đóng tàu vỏ gỗ là 70%, gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu trong vòng 7 năm. Lãi suất chỉ 3%/năm và thời gian ân hạn 1 năm, còn lại ngân sách trung ương, địa phương sẽ hỗ trợ phần lãi suất chênh lệch.
Thông tin này như một làn gió mát làm dịu nỗi lo của bà con. Ngư dân Võ Thanh Sang, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi sau gần 30 năm đi biển luôn mong ước có một đôi tàu vỏ sắt để vươn ra khơi xa. Tuy nhiên do tài sản thế chấp không đáng là bao nên việc vay vốn để hiện thực hóa ước mơ của ông đã kéo dài hàng chục năm qua.
Anh Võ Thanh Sang chia sẻ: “Đảng và Nhà nước mà có chính sách tạo điều kiện cho ngư dân thì tôi rất đồng tình và hưởng ứng. Bản thân tôi cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để được vay vốn, bà con có thể sở hữu được những chiếc tàu sắt cho riêng mình để ra khơi làm ăn phát triển kinh tế bền vững.”
Tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có đội tàu đánh bắt cá trên biển rất hùng hậu, ngư dân dày dặn kinh nghiệm và hoạt động khắp các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Chính phủ cũng đã chọn Quảng Ngãi làm địa phương tiên phong để thực hiện đề án đóng mới 22 tàu vỏ thép. Thế nhưng do việc vay vốn còn nhiều khó khăn nên ngư dân Quảng Ngãi dù rất muốn đóng tàu vỏ thép, hiện đại hóa đội tàu đánh cá cũng chưa thể thực hiện được.
Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, việc Chính phủ xây dựng một số chính sách phát triển thủy sản là một chủ trương đúng, hợp lòng dân. Đây là một chủ trương đúng và sát thực tế, cho phép ngư dân đầu tư đóng tàu vỏ thép, đánh bắt xa bờ và góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tàu thép có tính an toàn hơn rất nhiều, hiện đại hơn rất nhiều so với trước đây, tạo bước đột phá trong việc hiện đạo hóa nghề cá./.