Nhìn chung, khi phát hành tiền đến các địa phương, vùng, miền, chuyên gia của Cục Phát hành và kho quỹ NHNN đã tính toán và cân đối các loại mệnh giá sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách cấp phát của Nhà nước, cùng với việc xem xét nhu cầu và đặc điểm tiêu dùng của vùng đó để phân bổ cho phù hợp. Tuy nhiên, trong thực tế đã có bất ngờ xảy ra.
Thông thường chúng ta hay hiểu, ở những thành phố, đô thị lớn, nơi mặt bằng thu nhập cao hơn hẳn các vùng miền khác, việc cất trữ để dành tiền, trong đó có loại mệnh giá cao nhất, tờ 500.000 đồng chắc chắn sẽ nhiều hơn hẳn. Nhưng khác với tất cả các vùng khác, tần suất sử dụng và giao dịch loại tiền này lại rất thường xuyên. Số tiền có mệnh giá cao, trong đó có tờ 500.000 đồng có thời gian trong két sắt lại rất ngắn, do nhu cầu sử dụng đầu tư, quay vòng để sinh lời.
Tại những vùng nông thôn và miền núi kém phát triển hơn (loại trừ các khu kinh tế tập trung, trang trại…), cơ cấu loại tiền mệnh giá 500.000 đồng vốn đã ít hơn lại được tiếp sức bởi thói quen để dành bằng loại tiền này thường rất phổ biến. Do làm ăn khó khăn, đồng tiền làm ra được người dân hết sức trân trọng, điều này đã góp phần hạn chế việc đưa vào lưu thông, giao dịch loại mệnh giá lớn, trong đó có tờ 500.000 đồng. Chưa có một con số thống kê cuối cùng, nhưng phần lớn người dân thuộc diện này, một khi đã có tiền để dành thường để “nằm chết” khá lâu. Có những gia đình gặp sự cố nhà cửa do thiên tai bão lũ, khi kiểm đếm thấy cả những xê-ri tiền cách ngày nay 5 năm, thậm chí còn lâu hơn. Do không hiểu biết về khái niệm lạm phát, mất giá của đồng tiền, nên sau một thời gian có một số gia đình ngẫu nhiên vượt qua được sự “mất giá tạm thời” của lạm phát cao mấy năm trước. Cách đây 5 năm, nếu 10 triệu đồng mới mua được 1 con trâu trưởng thành thì nay, cũng với số tiền đó họ có thể mua được hơn thế.
Tờ tiền bẩn nhất ở khu vực nào?
Ở Châu Âu và Bắc Mỹ, nhiều nước đã có tổng kết và chỉ ra cho dân chúng thấy, sau một thời gian lưu thông tiêu dùng đồng tiền cũ đi, theo đó, lượng vi khuẩn và các chất bẩn, độc hại bám vào ngày một nhiều. Ở mỗi nước có những tiêu chí đánh giá tiền bẩn, quy định thời gian lưu thông khác nhau để thu hồi tiêu hủy.
Nhìn chung “tuổi thọ” của đồng tiền ở các nước phát triển thường cao hơn các nước đang phát triển. Một phần do ý thức của người dân biết giữ gìn đồng tiền trong quá trình lưu thông, như không bẻ gập, vò nhầu; thường để tiền trong loại ví có kích thước lớn để luôn giữ phẳng; mặt khác, điều kiện khí hậu khô, lạnh gần như quanh năm cũng là điều kiện góp phần làm tăng tuổi thọ của đồng tiền và ít nhiễn bẩn hơn.
Ở Việt Nam, tuổi thọ của đồng tiền vào loại thấp, nhưng điều đáng nói hơn là rất nhanh bị nhiễm bẩn. Do ý thức của người dân trong việc bảo quản tiền còn hạn chế, nên số lượng tiền cũ, nát, bẩn thường chiếm tỷ lệ cao, nhất là đối với tiền có mệnh giá nhỏ.
Khi chuyển đổi tiền cotton sang Polymer, NHNN cũng đã tính toán đến một vài yếu tố khí hậu, môi sinh đặc thù nóng, ẩm của châu Á và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào việc đồng tiền bị nhiễm bẩn. Gần đây, người ta còn phát hiện ra rằng, đồng tiền dễ nhiễm bẩn không chỉ bởi giấy nền in tiền, mà còn do chính chất lượng mực in. Đáng chú ý là tác nhân làm đồng tiền nhanh mờ, mất nét, xấu… chính là vi khuẩn, thủ phạm phân hủy lớp mực in, làm hỏng, đồng thời, tạo ra mầm bệnh.
Từ các nguyên nhân nhiễm bẩn nêu trên, chúng tôi nhận thấy môi trường tạo ra tiền bẩn nhiều nhất chính là khu vực chợ truyền thống, đặc biệt là nơi bán thực phẩm và rau quả sống, chưa qua chế biến…
Vì đồng tiền luôn quay vòng trong lưu thông, cũng đừng quên rằng, tiền bị nhiễm bẩn- cùng vi khuẩn reo rắc các loại mầm bệnh cũng đang nằm ngay trong chính chiếc ví xinh xắn của chúng ta.
Mệnh giá nào trong hệ thống tiền Việt Nam hiện hành được ưa dùng nhất?
Theo điều tra bước đầu trong các tầng lớp thị dân cho thấy, số người thích tờ tiền 200.000 đồng chiếm tỷ lệ cao, nó không chỉ là mệnh giá tương hợp với số đông mức sống, được coi là thuận tiện nhất trong thanh toán, mà còn bền, đẹp.
Ngay cả khi có nhiều phương thức thanh toán khác như thẻ tín dụng, séc, thẻ…người ta cũng vẫn “nhớ” tiền, bởi lẽ, đồng tiền không chỉ là phương tiện thanh toán, mà còn mang đậm nét đặc điểm lịch sử- văn hóa quốc gia, quốc thể. Mâu thuẫn ở chỗ, một quốc gia càng phát triển, tiền mặt càng mất dần chỗ đứng, thay vào đó là các phương tiện thanh toán hiện đại (không dùng tiền mặt). Nhưng đứng về khía cạnh văn hóa, chắc chắn tiền mặt còn tồn tại lâu dài.
Tại Việt Nam “văn hóa tiền mặt” vẫn còn khá phổ biến, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm trên 12% tổng phương tiện thanh toán. Chính vì vậy, các phương tiện thông tin đại chúng cần tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng và bảo quản đồng tiền, góp phần tăng tuổi thọ của đồng tiền, giảm chi phí in ấn, tiêu hủy và hạn chế việc lây lan mầm bệnh. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế/.