Sáng nay (29/6), tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Phát triển quốc tế “Cải cách thể chế trong quá trình chuyển đổi cấu trúc, hòa nhập và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên Hiệp Quốc (UNU-WIDER) phối hợp Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức.
Tại Hội nghị, các chuyên gia kinh tế đến từ các quốc gia tập trung thảo luận về các nội dung cải cách thể chế và ba thách thức quan trọng của xã hội hiện nay mà thế giới phải đối mặt là chuyển đổi cấu trúc, hòa nhập và bền vững.
Trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong cải cách thể chế, nhờ đó đạt các thành tựu quan trọng trong tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo nhanh chóng. Phát huy các thành công đã đạt được, cũng giống như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang xem xét làm thế nào để xử lý các thách thức mới phát sinh trong cải cách thể chế và hoạch định chính sách một cách tốt nhất.
Trong đó bao gồm việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa hiện nay đang từng bước được nâng cao. Theo công bố của Bộ Tài chính dựa trên báo cáo từ 3.576 doanh nghiệp trong cả nước đã cho thấy, sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa đã có đến 85% doanh nghiệp có doanh thu, lợi nhuận và tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định, cải cách thể chế nói chung cũng như tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều thách thức. Việc tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp gặp khó khăn do một bộ phận lớn các doanh nghiệp nhà nước gần như đang đóng vai trò độc quyền trên thị trường như lĩnh vực điện, xăng dầu,… Vai trò cũng như chức năng không phù hợp của các doanh nghiệp nhà nước đang làm biến dạng thị trường, cũng như khiến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này thấp.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý của nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự phù hợp, ví dụ như hệ thống pháp luật về cổ phần hóa hiện nay vẫn chưa bao quát được hết đối với các đối tượng cổ phần hóa.
Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn do quá trình định giá tài sản còn nhiều bất cập. Theo đó, khó khăn lớn của việc cổ phần hóa chính liên quan đến thị trường chứng khoán. Một số doanh nghiệp có giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thấp hơn giá trị sổ sách nhiều nên các nhà đầu tư có phần ái ngại vì họ chọn sản phẩm có thanh khoản cao. Bên cạnh đó là việc định giá tài sản quá cao cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa.
Hơn thế nữa, việc quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp nào trước cũng là bước khó khăn; nên cổ phần hóa doanh nghiệp có lợi nhuận cao, hoạt động tốt trước hay chọn các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trước? Cần chọn đối tác chiến lược nào, những cổ phần thuộc sở hữu nhà nước nào nên được bán, bán cho ai và những thành phần nào thích hợp với các nhà đầu tư nước ngoài cũng là những yếu tố cần một quá trình dài nghiên cứu.
Với mục tiêu đạt được một tầm nhìn toàn cầu trong nghiên cứu phát triển, UNU-WIDER hợp tác chặt chẽ với mạng lưới toàn cầu với các cá nhân và tổ chức đến từ cả Bắc bán cầu và Nam bán cầu. Chương trình hợp tác giữa UNU-WIDER nhắm tới mục tiêu giải thích rõ về các thách thức phát triển có liên quan tới nhau của các vấn đề chuyển đổi, hòa nhập và bền vững tại các nước đang phát triển./.