Trong một diễn biến của tiến trình tái cấu trúc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đề xuất thành lập 3 tổng công ty và đang thực hiện thoái vốn thành công tại 63 công ty.
Tách thành 3 tổng công ty
Cùng với Đề án Tái cơ cấu VMS - MobiFone được trình lên Thủ tướng theo hướng đổi tên và nâng cấp Công ty TNHH VMS lên thành Tổng công ty Viễn thông di động MobiFone thì Tập đoàn VNPT cũng đề xuất thành lập 3 tổng công ty trực thuộc.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 10/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, Hội đồng Thành viên VNPT đã trình đề án thành lập 3 Tổng công ty lên Bộ Thông tin và Truyền thông để Bộ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện 63 viễn thông tỉnh, thành cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để ngay khi Đề án được Thủ tướng phê duyệt, có thể tiến hành tách trung tâm kinh doanh độc lập với khối hạ tầng ngay.
“Việc phân bổ nguồn lực, tài lực như vậy sẽ tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, quan trọng nhất của tái cơ cấu là mô hình tổ chức của VNPT sẽ trở nên gọn, nhẹ, tránh xin - cho, hạn chế cấp trung gian. Tất cả nhằm mục đích chuyên nghiệp hóa, chuyên biệt hóa để nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của Tập đoàn sau khi tái cơ cấu”, ông Hùng cho biết.
Ông Phạm Đức Long, Phó tổng giám đốc VNPT cũng cho rằng, việc thành lập các tổng công ty không gây khó khăn gì về quản trị, hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận, bởi hiện nay VNPT thành lập các tổng công ty hạch toán độc lập và sẽ đưa vào quản lý bằng mô hình quản trị hiện đại. Tập đoàn sẽ là đơn vị chủ quản dịch vụ, còn các tổng công ty trực thuộc sẽ quản lý từng khâu của dịch vụ, với chỉ tiêu kinh tế được giao rõ ràng, độc lập.
2015 sẽ hoàn thành thoái vốn
Theo quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2014 - 2015, thì 63 công ty do VNPT đang sở hữu một phần vốn sẽ phải thoái vốn toàn bộ.
Cụ thể, các DN phải thoái vốn gồm: Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh; 53 công ty cổ phần; 4 công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 quỹ và 1 ngân hàng thương mại cổ phần (Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - Maritime Bank). Thống kê từ số liệu của Kiểm toán Nhà nước cho hay, tổng số vốn mà VNPT đã đầu tư vào 63 DN này lên tới hơn 2.303 tỷ đồng. Trong đó, có 13 DN đang niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán là HSX và HNX hoặc giao dịch trên Upcom.
Liên quan đến kết quả thoái vốn ngoài ngành, thực hiện tái cấu trúc theo quyết định số 888/QĐ-TTg, ông Trần Mạnh Hùng cho hay, đến thời điểm hiện tại, VNPT đã thoái vốn thành công tại CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) với giá trị là 400 tỷ đồng. Sắp tới VNPT sẽ tiếp tục thoái vốn tại Maritime Bank với giá trị lên tới 700 tỷ đồng. Đại diện VNPT cho hay, chiến lược của VNPT là ban đầu tập trung vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sau đó sẽ thoái dần ở những đơn vị vốn đầu tư ít. Theo lộ trình thoái vốn, đến năm 2015 VNPT sẽ thoái hết vốn ở tất cả những đơn vị trong danh sách này.
Đánh giá kết quả thoái vốn, ông Hùng cho biết, khi thoái vốn tại Công ty SAM và Maritime Bank (hai doanh nghiệp này chiếm nửa số vốn đầu tư ngoài ngành của VNPT) thì kết quả là VNPT có lãi. Điều đáng chú ý là trong quá trình thực hiện tái cấu trúc thời gian qua, VNPT vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khá ổn định. Theo báo cáo của VNPT, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm đạt hơn 77.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 80% kế hoạch.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh sau tái cơ cấu, VNPT cho biết, sẽ xây dựng mục tiêu lợi nhuận năm 2015 tăng 25% so với năm 2014.
“Từ 2013 sang 2014, do vướng tái cơ cấu nên chúng tôi chỉ dám xác định mục tiêu khiêm tốn là tăng trưởng lợi nhuận 10%. Nhưng sang năm 2015, khi mọi việc đã cơ bản vào guồng và các bước tái cơ cấu được triển khai đúng hướng, mục tiêu tăng trưởng sẽ được đẩy lên mức 25%”, ông Hùng tiết lộ./.