Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của 29 doanh nghiệp sẽ bị hạ bậc lương, khiển trách hoặc chuyển công tác, cách chức nếu không thực hiện cổ phần hóa công ty đúng hạn từ nay đến cuối năm 2015. Từ nội dung cam kết này đã thể hiện rõ sự đồng thuận cao và quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn mà các doanh nghiệp này đang đối mặt khi tiến hành thực hiện tiến trình cổ phần hóa theo đúng lộ trình.

Bàn về vấn đề cổ phần hóa, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, sau một thời gian bị chựng lại thì trong 2 năm 2014-2015, quá trình cổ phần hóa cả nước sẽ thực hiện thuận lợi. Bởi chưa bao giờ chủ trương cổ phần hóa lại có sự đồng thuận lớn của các cấp và quyết tâm cao từ Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, cho đến những chỉ thị, nghị định hướng dẫn Chính phủ hết sức rõ ràng và minh bạch. 29 doanh nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh cam kết thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015 cũng nằm trong sự quyết tâm cao đó.

Trong số 29 doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách cổ phần hóa của thành phố Hồ Chí Minh, thì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vật phẩm văn hóa Sài Gòn (VAFACO) thuộc Tổng công ty văn hóa Sài Gòn là đơn vị đi đầu về tiến độ trong việc thực hiện lộ trình cổ phần hóa. Tất cả những công đoạn và những vấn đề liên quan để cổ phần hóa tại đơn vị đã được thực hiện hết sức nghiêm túc. Trong suốt 1 năm qua, Ban chỉ đạo cổ phần hóa của đơn vị đã làm việc liên tục để thực hiện các bước đi trong cổ phần hóa theo đúng quy định của nhà nước.

Cam kết với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 30/6 tới đây, Vafaco sẽ hoàn thành cổ phần hóa tại đơn vị. Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty văn hóa Sài Gòn, vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện cổ phần hóa tại VAFACO nhất là phần xác định giá trị doanh nghiệp. “Vì đi vào thực tế có nhiều công ty có những vướng mắc chủ quan và khách quan liên quan đến đất đai, liên quan đến tài sản cần thanh lý… thì chính đó là nguyên nhân lớn nhất”, ông Hoàng cho biết.

Vướng mắc mà ông Lê Hoàng vừa nêu cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hóa tại thành phố Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp tại thành phố cũng tỏ ra lo lắng vì trong giai đoạn 2014-2015, số doanh nghiệp cổ phần hóa cả nước lên tới 432 đơn vị, trong khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh thì sẽ không thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư khi đấu giá cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là các doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Về vấn đề này, theo các chuyên gia thì doanh nghiệp cổ phần hóa khi chào bán cổ phần ra thị trường nên định giá ở mức vừa phải, không nên định giá quá cao khiến nhà đầu tư cảm thấy không có cơ hội khi mua cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước, mà nên tạo cho họ nhìn thấy triển vọng tốt đẹp thì mới thu hút được đầu tư. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp cũng phải tích cực tìm kiếm các đối tác chiến lược để tham gia một cách hữu hiệu trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh thì còn rất nhiều khó khăn khác đang chờ đợi các doanh nghiệp cổ phần hóa và giải pháp quan trọng đầu tiên cần thực hiện là: “Quá trình cổ phần hóa thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ như chúng ta mong muốn, bởi vì nó luôn gặp những ách tắc, trở ngại nhất định. Nhất là những trở ngại vấn đề về thủ tục hành chính, về định giá đất, định giá tài sản, kể cả tài sản hữu hình và cả những tài sản vô hình, liên quan đến vấn đề thương hiệu… Những quá trình đó thì các doanh nghiệp nhà nước nên thuê những công ty tư vấn chuyên nghiệp để giúp các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa một cách bài bản”.

Ngoài những khó khăn chung, các doanh nghiệp nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cổ phần hóa đang phải gánh nhiều nhiệm vụ quan trọng và hết sức nặng nề trong cùng một lúc để tăng tốc hoàn thành cổ phần hóa đúng thời hạn.

Ông Phạm Minh Trí, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Các đơn vị cổ phần hóa phần lớn là các công ty con của các Tổng công ty, thành ra các Tổng công ty là trưởng ban chỉ đạo. Các tổng công ty vừa phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch, vừa trong giai đoạn sau khi UBND thành phố duyệt thì tập trung chỉ đạo tái cơ cấu, đồng thời chỉ đạo tái cơ cấu. Thành ra hội đồng thành viên, tổng giám đốc  các tổng công ty phải tăng cường tập trung sức lực thì mới có thể hoàn thành mấy nhiệm vụ đồng thời này”.

Đã cam kết thì phải thực hiện đúng lộ trình. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: doanh nghiệp trong quá trình tiến hành cổ phần hóa nếu khó khăn, vướng mắc đến đâu thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng công ty phải ngồi lại với nhau và trình bày với cơ quan chủ quản để tìm hướng giải quyết thấu đáo. Bởi hiện nay các nghị định ban hành liên quan đến cổ phần hóa rất chi tiết và bài bản. Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào cho đúng quy trình và đảm bảo tính hiệu quả mà thôi./.