Trong giai đoạn 2016 – 2020, cả nước sẽ có 240 doanh nghiệp nhà nước cần sắp xếp, cổ phần hóa. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2020 chỉ còn 103 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Chủ trương của Chính phủ chỉ nắm giữ 100% vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành đặc thù liên quan đến quốc phòng an ninh, dịch vụ công ích, in đúc tiền, sản xuất vàng miếng.

vnn_cjqc.jpg
Chính phủ chỉ nắm giữ 100% vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành đặc thù. (Ảnh minh họa: KT)
Có 4 doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ. Nhà nước cũng quyết định thoái vốn và chỉ nắm 50-65% vốn điều lệ tại 27 doanh nghiệp trong 8 ngành, lĩnh vực.

Trong đó, một số cái tên tiêu biểu như VNPT, Mobifone, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Trung, Nam hay inafood 1, Vinafood 2…Đặc biệt, 106 doanh nghiệp sẽ trong diện thoái vốn quy mô lớn, Nhà nước chỉ còn giữ tỷ lệ dưới 50%. 

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết,  khi cổ phần hóa phải đảm bảo minh bạch công khai thông tin và việc xác định giá trị doanh nghiệp, đánh giá tài sản doanh nghiệp theo đúng thị trường, tính đúng đủ không làm rẻ vốn nhà nước.

“Phương thức cổ phần hóa theo hướng không làm bằng mọi giá, phải làm có tiến độ, tính toán sao cho có giá trị cao nhất, chọn được nhà đầu tư thực sự đến với mình, tránh tình trạng bán ra cho nhà đầu tư cơ hội, sau đó bán lại cho nhà đầu tư tài chính thì dẫn đến đồng vốn giảm đi. Doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, lúc đó sẽ bán vốn, thoái vốn bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ đó sẽ thu về được nguồn lực tài chính cho nhà nước phát triển kinh tế xã hội”, ông Tiến cho biết./.