Ngày 14/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo thông tư về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự thảo Thông tư về quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa.

gia_sua1_qofb.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lo ngại khi bỏ quy định áp giá trần giá sữa.
Trường hợp doanh nghiệp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5%, phải gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ cộng dồn vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định.

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với việc kê khai, đăng ký giá sữa theo quy định mới, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại giá mặt hàng này có thể "nhảy múa" khi hệ thống phân phối không được kiểm soát tốt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhiều thời điểm trước đây, mặt hàng sữa trong nước đã bị đẩy lên một cách bất hợp lý và chỉ thực sự bình ổn trở lại nhờ thực hiện biện pháp áp giá trần.

Do vậy, khi bỏ quy định áp giá trần, mặt hàng sữa có thể biến động phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương, với hệ thống bán lẻ chủ yếu theo kiểu hộ gia đình, hoặc cửa hàng nhỏ.

“Ở các địa phương, kinh doanh sữa có thể là doanh nghiệp, cửa hàng, thậm chí là hộ kinh doanh với lượng hàng không lớn. Giá ở những chỗ đó ai kiểm soát? Có thể có chỗ khác giá sữa rẻ hơn, nhưng với địa bàn nông thôn sẽ không thể lên tận thành phố chỉ để mua hộp sữa. Sữa là thực phẩm sử dụng hàng ngày lại không thể dự trữ được lâu nhất là những vùng chưa có phương tiện bảo ôn. Do vậy, cần làm sao để mua ở đâu cũng có thể được giá bình ổn, điều này thuộc vai trò của cơ quan quản lý”, ô Hùng nêu ý kiến.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, trong Dự thảo Thông tư mới, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất quản lý hệ thống phân phối của mình và kiểm soát giá trong mạng lưới, đồng thời nhà nước sẽ kiểm tra việc thực hiện đó nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát việc đăng ký và niêm yết giá, cũng như đảm bảo việc kiểm soát theo chuỗi, để giá sữa không bị đẩy lên bất hợp lý.

“Điểm mới trong thiết kế chính sách lần này là quản lý giá sữa theo chuỗi phân phối, Nhà nước và người tiêu dùng giám sát khâu cuối cùng là giá bán lẻ. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường ở các địa phương cắm chốt tận các quận, huyện để kiểm tra. Do đó, từ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều có thể giám sát giá bán lẻ của các đơn vị, tổ chức và được công khai trên mạng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ cần hoặc cơ quan quản lý kiểm soát phát hiện hoặc người tiêu dùng, cơ quan truyền thông phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham gia vào kiểm tra và xử phạt”, ông Quyền nêu rõ.

Hiện cả nước có khoảng 900 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai. Đây là mặt hàng được đưa vào danh mục hàng bình ổn và áp trần giá từ tháng 6/2014 sau hàng loạt biện pháp quản lý khác như đăng ký, kê khai giá không hiệu quả.

Từ tháng 1/2017, Bộ Công Thương đã chính thức tiếp quản việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thay Bộ Tài chính./.