Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/10, trả lời báo chí về tiến trình cổ phần hóa và thủ tục niêm yết đối với hai doanh nghiệp là Habeco và Sabeco, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, vừa rồi Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai đưa lên sàn niêm yết giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu việc niêm yết của Habeco và Sabeco phải được thực hiện trong năm 2016. |
“Habeco trước đây có nhà đầu tư chiến lược là Carlsberg, nhưng nay phải giải quyết các vướng mắc đối với nhà đầu tư này nên sẽ mất nhiều thời gian. Vì thế, việc đưa lên sàn 2 doanh nghiệp này trong năm 2016 này là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu có chậm thì cũng chỉ sang quý I/2017”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Theo kế hoạch, Habeco sẽ thoái toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước (9.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Còn Sabeco sẽ thực hiện thoái vốn theo 2 đợt. Đợt 1 sẽ bán 53,29% vốn nhà nước (24.000 tỷ đồng) trong năm 2016. Đợt 2 sẽ bán 32% vốn điều lệ (16.000 tỷ đồng) sau khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đồng tình với ý kiến của Bộ Công Thương về chủ trương thoái vốn Nhà nước khỏi Habeco và Sabeco, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định lại chủ trương của Chính phủ cương quyết sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có phương án thoái vốn của 2 doanh nghiệp Habeco và Sabeco với tinh thần công khai minh bạch.
“Các doanh nghiệp khi bán phần vốn Nhà nước cho các doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, nhất định phải thông qua hình thức đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư. Mục tiêu là mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước nên ai ra giá cao nhất sẽ được mua. Không được để có lợi ích nhóm trong việc cổ phần hóa”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy vậy, Người phát ngôn Chính phủ cũng yêu cầu việc niêm yết của 2 doanh nghiệp này phải được thực hiện trong năm 2016. Muốn vậy, các doanh nghiệp này phải lên sàn chứng khoán, có tư vấn đấu thầu xác định giá trị doanh nghiệp trước khi bán.
Phản hồi đề xuất Bộ Công Thương mất quá nhiều thời gian để đưa lên sàn hai doanh nghiệp này kèo dài sang năm 2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu, nếu quá trình này chậm sau năm 2016, Bộ Công Thương phải kiểm điểm trước Thủ tướng, Nhà nước và hai doanh nghiệp trên phải kiểm điểm trước Bộ Công Thương. “Lên sàn chậm là lỗi của chính doanh nghiệp vì họ cổ phần hóa lâu rồi, nhưng không niêm yết”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ.
Tại buổi họp báo, việc bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là ông Vũ Quang Hải cũng được báo chí quan tâm. Trả lời báo chí về việc này, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trước đây Bộ Công Thương đã có báo cáo đối với Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã làm việc với đoàn kiểm tra của Ủy ban kiểm tra Trung ương liên quan đến công tác cán bộ, trong đó có trường hợp của ông Vũ Quang Hải.
Sau khi có văn bản của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những nội dung hai Bộ đề cập trong văn bản của mình trước ngày 1/11/2016.
“Bộ Công Thương có 1 tháng nữa để làm việc này nên sẽ tiến hành với tinh thần hết sức trung thực, khách quan, tiếp thu ý kiến của các Bộ để báo cáo với Phó Thủ tướng”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói rõ phương hướng./.