Hai ngày trước, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai đánh dấu bước ngoặt khi lần đầu tiên HAG trở lại trên mệnh giá 10.000 đồng/CP. 10.100 đồng cũng là giá đóng cửa cao nhất của HAG trong 52 tuần gần nhất.

063311-1.jpg

 Bộ đôi cổ phiếu bộ đôi HAG và HNG của bầu Đức đã có mức tăng giá ấn tượng trong thời gian ngắn gần đây. (Ảnh: HAGL)

Dù kết thúc phiên giao dịch hôm qua, 24/3, giá cổ phiếu HAG giảm xuống 9.900 đồng song lại ghi nhận mức giá cao nhất trong phiên lên tới 10.350 đồng/CP.

Cùng với Hoàng Anh Gia Lai, cổ phiếu một công ty khác của bầu Đức là Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng bật tăng tới 11.750 đồng/CP trong phiên giao dịch hôm 24/3. Đáng chú ý, đây là phiên thứ 7 liên tiếp cổ phiếu HNG vượt 10.000 đồng và giữ ổn định sau một năm giao dịch dưới mốc.

Không chỉ hồi phục giá trị, khối lượng giao dịch của HAG và HNG thời gian gần đây cũng rất tích cực, trung bình 1,2 – 1,5 triệu đơn vị/phiên, thậm chí có phiên lên trên 7,8 triệu.

Gần một năm trước, hai cổ phiếu HAG và HNG đã khiến bầu Đức và nhiều nhà đầu tư buồn lòng. Đó là thời điểm đầu tháng 4/2016, cổ phiếu HAG đã bốc hơi khoảng 67,5% so với cùng thời điểm 2015 và mất giá 52,5% so với thời điểm mới niêm yết. Trong khi đó, cổ phiếu HNG giảm giá hơn 80% so với thời điểm mới niêm yết, đồng thời mất tới hơn 75% sau 3 tháng giao dịch.

Có nhiều nguyên nhân lý giải việc giá cổ phiếu HAG và HNG liên tục giảm, trong đó, chủ yếu do nhà đầu tư lo ngại giá cao su tiếp tục sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai và Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Cùng với đó, những tin tức về tình hình nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai cũng khiến nhà đầu tư ít mặn mà với HAG.

Chuỗi thời gian dài sau đó, giá cổ phiếu HAG và HNG biến động theo xu hướng đi ngang và chấp nhận giao dịch dưới mệnh giá. Trong đó, giá đóng cửa thấp nhất trong 52 tuần gần đây của HAG là 4.930 đồng/CP, của HNG là 5.420 đồng/CP.

Tuy nhiên, niềm vui có thể đã trở lại, khoảng một tháng gần đây, xu hướng hồi phục của HAG và HNG thể hiện ngày một rõ ràng và chính thức trở lại trên mốc 10.000 đồng/CP. Trong bối cảnh nợ nần lớn và cần tiền để tái cơ cấu nguồn vốn của công ty, việc bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG tăng vọt giống như một thứ “ánh sáng xuất hiện cuối đường hầm”.

Phân tích từ thị trường cho thấy, giá nguyên liệu cao su thế giới tăng cao, cũng như tin tức về các giải pháp tài chính được cho là có lợi cho Hoàng Anh Gia Lai, Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai là những động lực chủ yếu thúc đẩy giá cổ phiếu HAG, HNG đi lên.

Tuy nhiên, liệu xu hướng này có kéo dài được hay không khi mà giá cao su thế giới sau khi chạm đỉnh gần 350 JPY/kg vào cuối tháng 2/2017 đang điều chỉnh giảm trở lại?. Tính đến phiên sáng 17/03, giá cao su đang giao dịch tại 265 JPY/kg, giảm gần 25% so với mức đỉnh vừa đạt được.

Trong báo cáo tài chính quý 4/2016, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận khoản lỗ 124 tỷ đồng. Tính chung cả năm, khoản lỗ cả công ty này là 1.414 tỷ đồng. Hiện, nợ vay tài chính của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới 27.300 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn gần 20.800 tỷ.

 Kết quả giao dịch cổ phiếu HNG khởi sắc từ đầu tháng 3/2017.

Nợ nần lớn nên giữa năm 2016, thị trường xôn xao khi Hoàng Anh Gia Lai nói đang cân nhắc bán hàng chục nghìn ha rừng cao su bên Lào cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai có lý do để bớt lo lắng bởi nhiều khoản vay đã được gia hạn, cụ thể là nợ trái phiếu phát hành cho BIDV và Công ty chứng khoán BIDV (BSI) vào ngày 31/12/2016 là 6.546 tỷ đồng được kéo dài thời gian đáo hạn lên đến từ 31/12/2021-31/12/2026.

Đó là chưa kể tính đến cuối năm 2016, HAG đã nhận ứng trước hơn 1.937 tỷ đồng từ khách hàng để mua dự án thủy điện, tăng khoảng 500 tỷ đồng riêng trong quý 4. Phía HAG cũng đã có xác nhận rằng việc bán các thủy điện bên Lào và mảng hoạt động mía đường đang được tập đoàn xúc tiến thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong quý 1/2017.

Hoàng Anh Gia Lai cũng đang nỗ lực thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ.

Ngoài tìm kiếm nguồn vốn để tải cơ cấu, giảm nợ, vài năm trở lại đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng liên tiếp đối diện với những cáo buộc từ một số tổ chức phi chính phủ cho rằng, các khu rừng cao su của công ty này tại Campuchia và Lào đã gây những thiệt hại to lớn về xã hội và môi trường./.