Tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 11/10, tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, “để vươn tới các chuẩn mực toàn cầu, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là cần phải định vị được những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch… để phát triển”.
Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế với khoảng 40% GDP mỗi năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội cho đất nước.
Song trong bối cảnh đất nước hội nhập, nước ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu và đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Thêm vào đó, đại bộ phận doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính chuyên nghiệp thấp, chưa đạt tới các chuẩn mực phổ biến toàn cầu.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sông Đuống cho rằng, để hội nhập tốt doanh nghiệp phải có đầy đủ thông tin, kiến thức về pháp lý và trình độ tri thức. Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bây giờ là cần nâng cao trình độ tri thức của mình. Khi hội nhập phải hiểu rõ về Luật kinh doanh của thế giới để tránh phạm phải những sai lầm, nhất là tránh vì không hiểu biết mà cứ đi theo cách làm ngẫu hứng thì doanh nghiệp sẽ phải trả giá rất đắt.
Nhiều đại biểu cũng nhận định: Để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là cần phải định vị được những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Cần phải có được một thế hệ các nhà công nghiệp làm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch… Thúc đẩy khởi nghiệp và định hướng hoạt động của từng doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu sống còn với các doanh nghiệp. Trong đó, khởi nghiệp không chỉ là thành lập doanh nghiệp mới mà còn là tái cấu trúc lại doanh nghiệp cả về sản phẩm, dịch vụ, quản trị và công nghệ…
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: Chính phủ đang cố gắng nâng bậc thứ hạng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN và toàn cầu. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cấp, đột phá để thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Doanh nghiệp Việt đang đứng trước thách thức vô cùng to lớn đó chính là làn sóng toàn cầu hóa.
Cũng theo ông Lộc, Đại hội Đảng lần thứ 12 đã đề ra chủ trương hoàn thiện cơ chế, thể chế thị trường theo chuẩn mực hàng đầu trên thế giới và Chính phủ đang tích cực xây dựng Chính phủ liêm chính và quyết tâm cải cách. Đây là thời cơ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam sẽ bứt phát để vươn lên.
Cũng tại Diễn đàn, các diễn giả cũng chia sẻ về các giải pháp tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động mua bán, sáp nhập, phát triển doanh nghiệp với nền kinh tế xanh… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay./.