Sáng 22/9, tại thủ đô Phnom Penh - Vương quốc Campuchia, Đại sứ quán Việt Nam kết hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia năm 2016.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia 2016 |
Tham dự diễn đàn có hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tỉnh, thành, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Campuchia và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Đại sứ Thạch Dư nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sự gần gũi về mặt địa lý, sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ hai nước là một trong những cơ sở để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia.
Việt Nam hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 3,4 tỷ USD. Việt Nam có 182 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng số vốn đăng ký là 2,85 tỷ USD. Việt Nam cũng là nước dẫn đầu về số lượng khách du lịch sang Campuchia với khoảng hơn 900.000 lượt người năm 2015.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Chea Vuthy giới thiệu khái quát về tiềm năng kinh tế cũng như chính sách pháp luật Campuchia để các doanh nghiệp Việt Nam.
Về thực trạng nền kinh tế và chính sách khuyến khích đầu tư của Campuchia, ông Vuthy cho biết, kể từ năm 2011 đến nay, kinh tế Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 7%/năm; lạm phát duy trì ở mức dưới 3%; tỷ giá đồng Riel với USD luôn giữ ổn định. Campuchia thực hiện chính sách kinh tế mở, không hạn chế giao dịch ngoại tệ, không kiểm soát giá sản phẩm và dịch vụ; thực hiện dịch vụ một cửa - thời gian phê duyệt đầu tư chỉ trong 28 ngày làm việc...
Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm như phân bón, các sản phẩm nhựa, nguyên liệu sản xuất giày da, sắt, thép…và xuất sang Việt Nam một số sản phẩm như ngô, cao su, hàng may mặc…Các lĩnh vực ưu tiên của Campuchia là nông, công nghiệp, du lịch, linh kiện ôtô, điện...
Tại Diễn đàn, đại diện một số bộ ngành, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư vào Campuchia. Cụ thể như hệ thống pháp luật liên quan đầu tư của Campuchia đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện nên có nhiều thay đổi; tiềm lực về vốn, công nghệ của doanh nghiệp hai nước chưa đủ mạnh...
Các doanh nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan của Campuchia điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu sao cho phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế./.Việt Nam - Campuchia tăng cường hợp tác đầu tư và phát triển