Tại cuộc họp với Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 16/3, đại diện các nhãn hàng lớn như Vinamilk, Unilever, Vinhomes, Ford Việt Nam, các công ty truyền thông quảng cáo như WPP, MindShare, Sun Group, Daiko Việt Nam cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam về kinh doanh và quảng cáo. Đồng thời, khẳng định sẽ dừng tất cả quảng cáo trên YouTube nếu Google không ngăn chặn được tình trạng quảng cáo của họ bị gắn trên các video có nội dung vi phạm pháp luật của Việt Nam.

vov_truong_minh_tuan_fuvy.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp quảng cáo và đại diện các nhãn hàng lớn quảng cáo trên mạng

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện nhiều quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu được gắn trong các video clip có nội dung xấu, độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam phát trên kênh YouTube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.

Tính đến hết ngày 15/3, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã phát hiện 15 kênh, tài khoản đưa lên YouTube hơn 8 nghìn video clip có nội dung vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, với trên 5 triệu lượt xem. Đây thực sự là một nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu.

Ngay sau khi nhận được văn bản cảnh báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp, thương hiệu lớn có sản phẩm quảng cáo như Vinamilk, Unilever, Vinhomes, Ford Việt Nam... đã yêu cầu đại lý quảng cáo tạm dừng quảng cáo trên YouTube. Các doanh nghiệp tuyên bố sẽ dừng quảng cáo trên kênh này nếu Google và các đại lý quảng cáo không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng vừa xảy ra.

Đại diện Tập đoàn Unilever tại Việt Nam cho biết: "Bảo vệ thương hiệu, bảo vệ nhãn hàng của mình đối với không chỉ Unilever mà tất cả các doanh nghiệp ở đây đều coi đó là mục tiêu hàng đầu. Vì thế, trước sự việc xảy ra, Unilever cũng ngay lập tức chấm dứt quảng cáo trên YouTube. Chúng tôi mong YouTube và Google trong thời gian tới phải có biện pháp công nghệ tốt hơn để không còn xảy ra tình trạng này".

Các đại lý quảng cáo cho biết, khi ký hợp đồng với Google chạy các chương trình quảng cáo cho các nhãn hàng đối tác của họ trên YouTube, họ đã lựa chọn vị trí hiển thị quảng cáo qua việc lọc từ khóa, phân loại nhóm để ngăn chặn việc nội dung quảng cáo của khách hàng trong các video clip không phù hợp.

Cụ thể: lọc toàn bộ chủ đề về chính trị, video quay trực tiếp, trò chơi điện tử, video thảm kịch và xung đột vũ trang, sự kiện xã hội nhạy cảm, video có nội dung giới tính không phù hợp. Tuy nhiên, phương pháp này không giải quyết triệt để tình trạng có nhiều video clip xấu, độc được người đăng tải xếp vào nhóm giải trí lành mạnh để "lách" thuật toán của Google. Các đại lý quảng cáo đều khẳng định, nếu không có sự hợp tác của Google trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm này.

Nhiều doanh nghiệp hiện đang dừng quảng cáo trên YouTube vì tình trạng video độc hại (Ảnh minh họa: KT)

Ông Ed Meyer, Giám đốc đại diện Công ty truyền thông WPP tại Việt Nam cho biết: "Hiện tại, không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới, quảng cáo bị gắn vào video clip xấu độc đã thực sự trở thành mối lo ngại. Mới đây, tại Liên hoan Quảng cáo Anh quốc, diễn ra ở Lôn-đôn ngày 10/3/2017, ông Sorrell, Tổng Giám đốc Công ty WPP, hãng quảng cáo lớn nhất trên thế giới đã yêu cầu Google phải chịu trách nhiệm về dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của mình. Đồng thời, phải sử dụng những công nghệ hiện đại nhất để đảm bảo môi trường mạng đảm bảo nhất, bảo vệ các khách hàng quảng cáo trên đó".

Theo ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi phút Google có khoảng 400 video clip được tải lên hệ thống. Dịch vụ quảng cáo của Google, YouTube đang áp dụng chế độ quảng cáo tự động bằng các thuật toán, do đó không kiểm soát được hết các trường hợp nằm ngoài thuật toán. Ngoài ra, Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất những video clip trên YouTube, trong đó có cả những video clip xấu độc. Do vậy đã vô tình gián tiếp khuyến khích các video clip xấu độc được đăng tải nhiều hơn trên YouTube.

Ông Trương Minh Tuấn kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam không tiếp tay để đối tượng xấu lấy tiền quảng cáo của các doanh nghiệp để chống Chính phủ Việt Nam. Ông cũng cũng kêu gọi cộng đồng sử dụng internet ở Việt Nam cùng lên tiếng với Google và Facebook ngăn chặn các nội dung xấu độc, các tin giả mạo, thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật của Việt Nam trên môi trường mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, tình trạng gắn quảng cáo trên các video có nội dung vi phạm không chỉ tồn tại trên YouTube mà còn xuất hiện trên các website vi phạm bản quyền về nội dung như các website chia sẻ phim, chương trình truyền hình, chương trình thể thao không có bản quyền. Đây cũng là vấn đề cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Bộ Thông tin và Truyền cùng với các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu xử lý trong thời gian tới./.