Giá xăng dầu thời gian qua đã giảm sâu, nhưng đến thời điểm này rất ít doanh nghiệp vận tải tại Bình Dương điều chỉnh giá cước. Mặc dù trước đó, liên Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh giá cước vận tải và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Đồng thời, Sở GTVT Bình Dương cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải rà soát kê khai lại giá cước vận tải cho phù hợp.
Ngành GTVT tỉnh Bình Dương hiện đang quản lý 130 doanh nghiệp vận tải, trong đó có 39 doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng, xe buýt… còn lại là vận tải bằng xe Container. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh chỉ có 9 doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh giá cước, bao gồm 7 tuyến vận tải khách cố định và 2 tuyến vận tải buýt. Trong đó, đơn vị có mức giảm nhiều nhất là Công ty TNHH Vận tải hành khách Thanh Loan với mức giảm đến 14%. Riêng các tuyến xe búyt giảm từ 7,9% - 17% so với giá cước trước đây.
Theo tính toán, chi phí xăng dầu thường chiếm từ 45% - 60% chi phí đầu vào trong kinh doanh vận tải. Nhưng với mức giảm sâu của giá xăng dầu hiện nay, các doanh nghiệp vận tải không phải chịu nhiều áp lực như trước đây. Song việc giảm giá vẫn chưa thực hiện đồng loạt tại các các doanh nghiệp vận tải.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho rằng, hiện nay họ đang phải gồng gánh ít nhất 13 loại thuế và phí như: Phí bảo trì đường bộ, phí bảo vệ môi trường, phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế gía trị gia tăng, cùng với đó thuế doanh nghiệp cũng tăng thêm 50% so với trước đây… đã tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp vận tải. Vì vậy họ phải xem xét lại việc điều chỉnh giá, nếu không sẽ rất khó cho doanh nghiệp hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Cư - Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Bình Dương lý giải việc không giảm giá vé: “Doanh nghiệp và xã viên trong HTX vận tải gặp nhiều khó khăn khi các khoản phí, vé cầu đường tăng. Thuế doanh nghiệp tăng thêm 50% do vậy doanh nghiệp không tăng giá vé để xã viên hoạt động bình thường”.
Với mức giảm giá xăng dầu như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải phải nhanh chóng tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào. Theo Sở GTVT Bình Dương, hiện chỉ mới có một số hãng taxi đã có phương án giảm giá từ 3%-5%. Một số doanh nghiệp vận tải khách cố định cũng đã rà soát kê khai lại giá, nhưng mức giá cước giảm vẫn chưa tương xứng.
Ông Đàm Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, Sở GTVT sẽ tiếp tục cùng với Sở Tài chính kiểm tra việc kê khai gía cước ở từng đơn vị.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác quản lý điều hành thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp cố tình chây ì, không điều chỉnh giá cước vận tải, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân khi giá xăng dầu đã được điểu chỉnh giảm sâu như hiện nay./.