Tính đến 6h ngày 30/7, Việt Nam có tổng cộng 459 ca mắc Covid-19, trong đó 369 bệnh nhân đã được điều trị khỏi. Số ca mắc mới trong cộng đồng tính từ ngày 25/7 đến nay là 43 ca.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để đối phó với nguy cơ xuất hiện làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các ngành: hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy và các địa phương, chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trên các phương tiện vận tải hành khách.
Bến xe Giáp Bát vắng vẻ dần do dịch Covid-19. |
Tại Hà Nội, từ tối 29/7 cũng đã tạm dừng hoạt động lễ hội, quán bar từ theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, anh Trần Văn Cơ chủ xe khách chạy tuyến bến xe Giáp Bát – Nam Định than thở: “Mấy hôm nay bến xe khách vắng tanh, hành khách ngày càng vơi dần đi. Cả chuyến xe chỉ có mấy khách, chỉ đủ tiền xăng dầu chứ chưa đủ tiền nhân công, khấu hao xe, lệ phí,…việc chúng tôi bù lỗ các khoản từ Tết đến giờ, nhiều khi phải cắn răng chịu đựng”.
Theo anh Cơ, từ khi Bộ Giao thông vận tải có yêu cầu phòng chống dịch, các bến xe cũng đã quán triệt xuống và nhà xe anh đều tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch như nhắc nhở rửa tay, xịt khuẩn,…
“Hy vọng người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch và cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ để sớm kiểm soát được dịch. Vì có kiểm soát dịch, môi trường xã hội trong lành thì những hoạt động kinh doanh như chúng tôi mới có cơ may phát triển”, anh Cơ chia sẻ.
Hành khách vắng vẻ trên các nhà xe, mặc dù đến giờ xuất bến. |
Anh Nguyễn Nam chủ xe khách tuyến Hà Nội – Ninh Bình cũng tâm tư: “Dịch Covid-19 xảy ra đợt một ở Việt Nam đã gây hậu quả rất nặng nề làm các nhà xe vận tải hành khách như chúng tôi điêu đứng. Hàng loạt nhà xe phá sản, nợ nần vì các khoản vay mua xe và đầu tư kinh doanh. Đến nay, dịch mới vừa tạm lắng, hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh vận tải nói riêng vừa mới gượng dậy thì giờ lại xuất hiện nhiều trường hợp bị dịch ở Đà Nẵng. Việc xuất hiện dịch trong cộng đồng ở Việt Nam khiến chúng tôi rất lo, vì sức khỏe là một phần, nhưng đáng lo hơn là sợ phá sản”.
Theo anh Nam, giai đoạn hiện nay, các phương tiện như xe dù, bến cóc, xe limousine “chạy chui” hay gắn mác xe hợp đồng,…chạy loạn khắp các ngả đường khiến thị phần của các nhà xe chạy đúng tuyến bị ảnh hưởng rất lớn. Giá vé thì vẫn thế thậm chí còn giảm đi, khách giảm thì khiến doanh nghiệp vận tải vô cùng khó khăn. “Nhiều khi chạy chỉ để giữ nốt chứ nếu tính khấu hao, tiền cầu phà, phí đường bộ,... đã lỗ sâu”, anh Nam nói.
“Nếu dịch Covid-19 bùng phát một lần nữa ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thì chắc chúng tôi phá sản. Bao nhiêu khoản vay mượn để đầu tư kinh doanh sau dịch, chưa kịp gượng dậy, lại là có dịch thì chúng tôi biết cậy nhờ vào đâu. Mong muốn của tôi là dịch được kiểm soát sớm, cần có biện pháp xử lý triệt để xe dù, bến cóc, “xe núp mác hợp đồng”,…để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Đặc biệt, tôi rất muốn Nhà nước và các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ những doanh nghiệp vận tải để cố gắng vực dậy, cứ như thế này thì nguy cơ phá sản hàng loạt đang hiển hiện trước mắt”, anh Nam lo lắng./.