Tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến khó khăn, nhu cầu vận chuyển hàng hoá đường biển giảm sút mạnh khiến cho ngành vận tải biển rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu. Trong khi đó, giá cước vận tải sụt giảm, giá xăng dầu lại tăng cao dẫn đến các khoản thu không đủ bù đắp chi phí. Chính vì lẽ đó, kết quả kinh doanh quý I/2013 của nhiều doanh nghiệp ngành vận tải biển tiếp tục là số âm.
Cụ thể, theo kết quả kinh doanh vừa công bố của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOS), trong quý I/2013, VOS đạt doanh thu 506 tỷ đồng, giảm trên 9% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 97 tỷ đồng, tăng gần 40% so với mức lỗ của quý I/2012.
Theo giải trình của công ty, lợi nhuận giảm do doanh thu sụt giảm trong khi các chi phí liên quan tiếp tục giữ mức tương đương như quý I/2012. Hiện cổ phiếu VOS đang thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2012 của công ty âm gần 35 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2013 của VOS được tổ chức mới đây, các cổ đông đã đồng thuận thông qua kế hoạch bán 3 tàu gồm tàu Golden Star trọng tải 23.790 dwt, Morning Star trọng tải 21.353 dwt là 2 tàu hàng khô đã 30 tuổi và tiếp tục bán tàu Ocean Star trọng tải 18.366 dwt đóng năm 2000 đã được các cổ đông phê duyệt bán.
Trong giai đoạn 2013 – 2017, Công ty dự kiến bán 8 tàu với tổng trọng tải 142 nghìn dwt. Đây là những tàu tuổi cao, tình trạng kỹ thuật không còn tốt, hoặc tiêu hao nhiên liệu lớn, chi phí sửa chữa, lên đà nhiều và không còn phù hợp với điều kiện kinh doanh trong thời gian tới.
Với kỳ vọng thị trường tốt lên, trong giai đoạn 2013 – 2017, Công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm 8 tàu với tổng tải trọng 368 nghìn dwt. Đồng thời, vào tháng 5/2013 tới, VOS sẽ đưa vào khai thác tàu Vosco Sunrise có trọng tải 56.200 dwt. Tàu này được đóng theo chủ trương hỗ trợ Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) trong chương trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam về việc tiếp nhận các tàu đang đóng dở dang của Vinashin.
Ngoài ra, trong kế hoạch đến năm 2015, VOS sẽ tiến hành thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính tại các tổ chức là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam và Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines tại Nghệ An.
Đồng thời, công ty cũng sẽ xem xét, đánh giá thực trạng của một số chi nhánh họat động không hiệu quả trong thời gian dài. Trong trường hợp xét thấy việc tiếp tục duy trì hoạt động của chi nhánh là không cần thiết, công ty sẽ tiến hành chấm dứt hoạt động của các chi nhánh này và thanh lý các tài sản đã đầu tư tại các chi nhánh này.
Tương tự như VOS, báo cáo tài chính quý I/2013 của Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng ghi nhận khoản lỗ 43 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ 21,8 tỷ đồng của quý I năm trước. Cổ phiếu VST cũng đang nằm trong diện bi cảnh báo do kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2012.
Công ty CP Container Phía Nam (VSG) cũng vừa báo lỗ hơn 10 tỷ đồng trong quý I/2013, tăng 73% so với cùng kỳ 2012. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân lỗ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cước vận tải biển cũng như giá cho thuê tàu sụt giảm nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu hồi phục, trong khi đó các chi phí giảm không đáng kể.
Cụ thể, doanh thu quý I/2013 của VSG chỉ đạt 19 tỷ đồng, giảm gần 6 tỷ đồng (tương đương 23,6%) so với quý I/2012. Trong đó, doanh thu cho thuê tài giảm 2,42 tỷ đồng do giá cho thuê tàu giảm. Đồng thời, do bị thu hẹp dịch vụ bốc xếp container cho hãng tàu nên doanh thu bốc xếp giảm 3,05 tỷ đồng, doanh thu cho thuê kho bãi giảm 0,41 tỷ đồng.
Vào ngày 3/5 tới, cổ phiếu VSG sẽ chính thức bị huỷ niêm yết do thua lỗ trong 3 năm liên tiếp và lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2012 là âm 140 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 110 tỷ đồng.
Góp mặt vào danh sách thua lỗ của các doanh nghiệp ngành vận tải biển còn có Công ty CP Vận tải biển Vinaship (VNA). Theo đó, doanh thu quý I/2013 của VNA đạt 166,7 tỷ đồng, giảm 26% so với quý I/2012. Lợi nhuận sau thuế quý I/2013 âm 28,7 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này dù có khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước (năm trước lỗ 43 tỷ đồng) nhưng vẫn là số âm. Theo VNA, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh thu là do lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước Đông Nam Á (thị trường khai thác truyền thống của VNA) sụt giảm mạnh.
Hiện cổ phiếu VNA cũng đang bị cảnh báo do báo cáo tài chính kiểm toán 3 năm liên tục (2009, 2010, 2011) của công ty có ý kiến lưu ý của ông ty kiểm toán về khả năng họat động liên tục./.