Quý I năm nay, số doanh nghiệp dừng hoạt động và hoặc giải thể tiếp tục tăng, báo hiệu một năm nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Liệu các doanh nghiệp có tiếp tục trụ lại được hay không khi mà lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, lại thêm giá xăng, chi phí đầu vào tiếp tục tăng. Nhìn vào một số lĩnh vực kinh tế như bất động sản, chứng khoán, xuất khẩu, đầu tư… đều là những bức tranh màu xám và lúc này, giải pháp không phải chỉ từ phía doanh nghiệp nữa mà còn từ chính sách và cả quá trình thực hiện của các cơ quan chức năng.

Không mở rộng sản xuất, bán hàng ở mức cân bằng

Những tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn do tình trạng thiếu vốn, lượng hàng tồn kho nhiều, chi phí đầu vào tăng cao. Giải pháp duy nhất để đối phó với tình trạng khó khăn trong lúc này đối với nhiều doanh nghiệp đó là không mở rộng sản xuất và bán hàng ở mức cân bằng. Bên cạnh đó là việc cắt giảm các khâu trung gian, không thực sự cần thiết.

dntphcm1.jpg
Nhiều DN đã cắt giảm các khâu trung gian, không thực sự cần thiết (Ảnh: petrotimes.vn). 

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan - đơn vị chủ lực tham gia chương trình bình ổn của TPHCM cho biết: Thời gian qua, Vissan đã liên tục điều chỉnh giảm giá bán để kích thích sức mua song nếu sức mua vẫn suy giảm kéo dài thì công ty không dám đẩy mạnh nhập hàng. Như vậy, người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ do bị ứ đọng hàng hóa, dễ chán nản, bỏ chuồng dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu. Vì vậy, Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi bền vững, đảm bảo nguồn cung ổn định.

“Những chi phí mang tính chất quản lý, chúng tôi phải siết chặt lại. Đây là giải pháp mà hầu như các doanh nghiệp đều cùng làm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có những định mức kinh tế kỹ thuật và phải siết chặt lại hơn nữa để vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm, đúng tiêu chuẩn, mà vẫn đảm bảo giá cho người tiêu dùng không bị đội lên” - ông Văn Đức Mười cho biết thêm.

Có thể nói sức mua chậm, giá đơn hàng không tăng so với chi phí đầu vào tăng khá cao khiến các nhà sản xuất và kinh doanh nản lòng. Giải pháp “thắt lưng, buộc bụng”, không tăng giá bán cùng với việc cơ cấu lại sản xuất là cách mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng để trụ vững trong giai đoạn hiện nay.

Ông Phan Văn Thiện - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng luôn cân nhắc thật kỹ trong việc chi tiêu, vì vậy nhất thiết doanh nghiệp cần phải định vị lại nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể, lúc này tại Công ty Bibica chỉ tập trung vào sản xuất những sản phẩm có thương hiệu, đồng thời cắt giảm mọi chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó là việc nỗ lực tìm ra những thị phần phù hợp với dòng sản phẩm của mình.

“Chúng tôi không sản xuất nhiều, tràn lan để gây tồn kho hoặc chậm trung chuyển ra ngoài thị trường. Đồng thời, thực hiện hợp lý hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất và có những định mức cho công nhân để kiểm soát được chi phí trên đầu mỗi sản phẩm”- ông Thiện cho biết thêm.

Khó khăn nhất là DN thiếu vốn

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay vẫn là tình trạng thiếu vốn. Lãi suất ngân hàng tuy đã có chiều hướng hạ, nhưng vẫn ở mức cao, yêu cầu bên vay phải có tài sản thế chấp, mà không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, tình trạng hàng tồn kho với số lượng lớn cũng khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Thực tế, thời gian qua những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bất động sản, lãi suất ngân hàng thực tế chưa thấy tác động nhiều đến sự tăng trưởng trở lại của doanh nghiệp. Hàng loạt các doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn với nhiều dự án không còn hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thay đổi. Vấn đề hiện nay của các doanh nghiệp là phải tiến hành tái cấu trúc một cách mạnh mẽ, chuyên sâu dưới nhiều phương thức để vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng: “Năm 2013 được đánh giá chung toàn cầu và Việt Nam là không thuận lợi, ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Do đó vấn đề hàng đầu hiện nay của các doanh nghiệp là tiến hành tái cấu trúc, đặc biệt là các doanh nghiệp có hàng hóa tồn kho. Chúng tôi cũng tích cực kết nối để giải phóng hàng tồn kho bằng nhiều cách. Một vấn đề bức xúc hiện nay nữa là không chỉ giải quyết hàng tồn kho, vốn mà là cơ chế chính sách phải thông thoáng. Trong tình hình này, Chính phủ tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng doanh nghiệp vì doanh nghiệp mạnh thì chính quyền mới phát triển”.

Có thể thấy, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đặc biệt với các doanh nghiệp làm ăn manh mún và nhỏ lẻ trước áp lực chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lúc này là thời điểm cần thiết để các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất từ khâu trung gian đến vận chuyển, từ đầu ra đến đầu vào. Tuy nhiên, không thể thiếu vai trò quản lý của Nhà nước thông qua các cơ chế và chính sách./.