Con số 54.000 doanh nghiệp phá sản và giải thể trong năm qua đã nói lên tình trạng khó khăn đến mức báo động của các doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như vậy, vẫn có một số doanh nghiệp đã vươn lên bằng nội lực của mình, khẳng định được vị thế trên thương trường trong nước và quốc tế.

traphaco.jpg
 Nghiên cứu dược phẩm tại công ty Traphaco (Ảnh: dddn.com.vn)

Bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Traphaco cho biết, trước bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới bị khủng hoảng trầm trọng, Traphaco là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của tình trạng này là giảm phát.  Cùng với đó là những hệ lụy khó khăn của năm 2011 như: tiêu thụ hàng chậm, lãi suất cao, lên tới 18, 19% thậm chí cao hơn. Để đối phó với những khó khăn này, Traphaco đã nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín và tạo lòng tin với khách hàng, đáp ứng được cao nhất nhu cầu của người dân...

Với những nỗ lực của mình, hiện nay Traphaco đứng đầu ngành dược Việt Nam trong việc sản xuất đông dược. Bà Thuận cho biết, thành công lớn nhất của Traphaco trong năm qua, không chỉ là doanh thu 1.400 tỷ, mà quan trọng nhất là tình trạng nợ xấu, tồn đọng hàng hóa đã không xảy ra.

Để có được thành công này, bà Nguyễn Thị Thuận chia sẻ: “Trước hết là một tinh thần lao động tích cực, vượt lên chính mình, mỗi cá nhân đều nghĩ ra cách làm hiệu quả nhất, đặt mục tiêu hiệu quả tài chính là số 1. Biết tận dụng những lợi thế của công ty do đó công ty vẫn thực hiện được kế hoạch doanh thu, không bị nợ xấu. Trong quá trình kinh doanh, mỗi khâu, mỗi bộ phận đều phải tính toán để hướng tới tồn kho hợp lý”.

Là một trong số những doanh nghiệp phát triển mạnh trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen nhiều năm liền dẫn đầu ngành tôn thép Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất nước với hơn 40% và là nhà sản xuất lớn nhất Đông Nam Á. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, với kinh nghiệm trong quản trị, liên tục trong nhiều năm, doanh thu của công ty đạt tới hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt, doanh thu năm 2011 là 8 nghìn tỷ đồng. Năm 2012 đạt 10.000 tỷ và dự kiến năm nay sẽ là 12.000 tỷ đồng.

Theo ông Vũ, lãi suất ngân hàng, bảo hộ thương mại, vốn ít, vay nhiều... vẫn là một trong những khó khăn mà phần lớn các công ty ở Việt Nam gặp phải. Tuy nhiên, bất lợi về những điểm này lại là thế mạnh của các công ty hay các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Để tồn tại trong bối cảnh kinh tế hiện nay và có thể cạnh tranh với những đối thủ lớn trên thế giới thì ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp phải tự thân vận động. Trong đó, doanh nghiệp phải luôn biết làm mới mình, tiết giảm tối đa chi phí trong quản trị, đặc biệt cần chú trọng vào khâu chất lượng sản phẩm, có trách nhiệm với đồng vốn.

Ông Lê Phước Vũ nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chuyển khó khăn, phải xử lý từ năm 2008 đến 2011 để trở thành một lợi thế cạnh tranh trong năm 2012 và 2013. Như vậy, với góc độ một doanh nghiệp đã phải đối mặt với khó khăn, bây giờ bắt đầu tiếp tục tăng trưởng. Trước tiên chúng ta phải coi nội lực cạnh tranh của mình và phải rút ra bài học, phải đầu tư thực sự, không nên quá đầu cơ. Thứ hai, nên hành xử có trách nhiệm đối với đất nước đối với cộng đồng. Khi sử dụng đồng vốn của xã hội chúng ta phải có trách nhiệm”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để tự cứu mình vượt qua khủng hoảng, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải dựa vào năng lực của chính mình. Ngoài việc tận dụng cơ hội mở rộng thị trường đầu tư xuất khẩu thì doanh nghiệp Việt Nam cũng phải khai thác tốt thị trường trong nước, tự tiến hành tái cấu trúc để nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại và phát triển lâu dài, khẳng định được vị thế của mình trên thương trường quốc tế./.