Nằm trong chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển nhân dịp chuyến thăm của Công chúa kế vị Victoria, Hoàng tử Daniel và Bộ trưởng Ngoại Thương Thụy Điển Ann Linde từ 6-8/5/2019, ngày 7/5, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh: Đối tác vì phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo”.
Tại hội nghị, công chúa kế vị Victoria đánh giá cao mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển và nhấn mạnh, năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Hai nước đã phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững, dựa trên niềm tin và tôn trọng lẫn nhau. Quan hệ hai nước đã chuyển từ đối tác thương mại tiến tới việc hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau và cùng nhau khám phá mối quan hệ trong tương lai.
Công chúa kế vị Victoria cho biết, bà rất ủng hộ mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và được biết Việt Nam đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của tổ chức này.
Công chúa khẳng định, hai nước và doanh nghiệp hai nước có nhiều cơ hội tăng cường hợp tác. Hội nghị sẽ góp phần hiện thực hóa những cơ hội này.
Công chúa kế vị Victoria mong muốn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Thụy Điển sẽ bước lên một tầm cao mới. |
Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển đã trải qua nhiều thử thách và không ngừng phát triển. Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển cho công cuộc thống nhất đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giúp Việt Nam sớm hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Nhiều công trình do Thụy Điển giúp xây dựng đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc như: bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Nhà máy giấy Bãi Bằng, bệnh viện Uông Bí.
Ngày nay, quan hệ hai nước đã bước sang giai đoạn mới dựa trên nền tảng đối tác bình đẳng. Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD.
Hiện, Thụy Điển có 67 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 364 triệu USD, đứng thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đang kinh doanh thành công tại Việt Nam như: ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak, Electrolux…
Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969, Chương trình hợp tác phát triển của Thụy Điển có giá trị 4 tỷ USD tính theo thời giá hiện nay, kéo dài trong 46 năm. Từ năm 2014, Thụy Điển tập trung vào quan hệ chính trị song phương và hỗ trợ kinh doanh làm ăn giữa Việt Nam và Thụy Điển. Nhiều công ty của Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam, tạo ra hơn 120.000 việc làm.
Phó Thủ tướng cho rằng, hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng và đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương nói chung và hợp tác kinh tế, thương mại - đầu tư giữa hai nước nói riêng. Nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. Hệ thống pháp luật, chính sách ổn định, minh bạch hơn, tiếp tục là điểm đến thu hút được nhiều nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới nói chung, cũng như từ EU và Thụy Điển nói riêng.
Việt Nam mong muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia giàu kinh nghiệm, các tập đoàn công nghệ hàng đầu để bắt nhịp được với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang từng ngày, từng giờ lan tỏa vào từng khía cạnh của đời sống. Thụy Điển có lợi thế lớn là sở hữu những kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với nhiều tập đoàn có tên tuổi như: IKEA, Husqvarna, H&M, Tetra Pak, Ericsson, Volvo, ABB, Electrolux, … và đây là yếu tố mà Việt Nam muốn tranh thủ, học hỏi và hợp tác với Thụy Điển.
Đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm qua, bà Ann Linde, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển bày tỏ, Việt Nam không chỉ là một thị trường mới nổi hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia và một trung tâm sản xuất toàn cầu trong tương lai, Việt Nam còn có hệ sinh thái kinh doanh rất năng động. Nhiều công ty Thụy Điển và các tổ chức thương mại muốn tham gia vào quá trình phát triển của Việt Nam, điều này được minh chứng bởi số lượng hùng hậu của các công ty và doanh nhân tham gia lần này
“Với Thụy Điển, chúng tôi thấy có rất nhiều lý do để tìm kiếm các cơ hội thương mại và kinh doanh. Ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới. Việt Nam với những cam kết đối với thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do thương mại, bao gồm cả hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Ân theo dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020”, bà Ann Linde nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp hai nước đã cùng nhau trao đổi để hiểu rõ hơn môi trường và tiềm năng hợp tác kinh doanh của hai bên, qua đó đẩy mạnh kết nối đối tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới./.