Theo tin từ Bộ Công Thương, vào ngày mai (9/10), Bộ sẽ tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các Tập đoàn, Tổng công ty, các công ty trực thuộc Bộ.
Lễ ký kết hợp tác này có mục đích góp phần thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Trước đó, nhằm giải phóng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, ngày 17/8/12012, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 13/CT-BCT kêu gọi doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ việc sử dụng hàng sản xuất trong nước. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương phải đi đầu trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau.
Ông Nguyễn Thanh Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, để thực hiện tiến trình này, Vụ đã làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Bộ, xây dựng thỏa ước chung trong việc sử dụng các sản phẩm của nhau. Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch cũng đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành cả nước xem xét, tìm hiểu nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng sản phẩm của mỗi doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến thời điểm tháng 9/2012, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm ngành Công - Thương vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.Trong đó, những ngành có tồn kho cao tập trung ở nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: Sản xuất xi măng, sắt, thép, gang (tăng trên 40%); sản xuất thức ăn gia súc và thuỷ sản, may trang phục, phân bón và hợp chất nitơ, sản phẩm khác từ plastic, pin ắc quy, dây điện và cáp điện, mô tô xe máy, sản xuất xe có động cơ... tăng trên 20%.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, các hộ tiêu thụ trong nước vẫn tiếp tục giảm mua than, đặc biệt là các hộ điện, xi măng, phân bón, hóa chất, vật liệu xây dựng... Ngoài ra, do tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên một số hộ tiêu thụ chậm trễ trong việc thanh toán tiền than, gây nên tình trạng nợ đọng.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là nhu cầu trong và ngoài nước suy giảm, do những khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bị thu hẹp gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, cũng có một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng kỳ như: Sản phẩm điện tử dân dụng, linh kiện điện tử, sản xuất đường, mì ống, mì sợi, thiết bị dẫn điện các loại.../.