Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy sản xuất của ngành công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

12thep106092011_8a33c.jpg

Hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng

Cụ thể, IIP 6 tháng tăng 4,5%, đây mà mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ (năm 2011 so với năm 2010 tăng 9,7%). Tuy nhiên, có sự chuyển biến theo chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP 3 tháng đầu năm tăng 4,1%; 4 tháng tăng 4,3%; 5 tháng tăng 4,2%).

Xét theo ngành công nghiệp, so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp khai thác mỏ có mức tăng trưởng thấp nhất (tăng 3%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4% và sản xuất, phân phối điện, gas, nước có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 14,2%.

Bộ Công Thương đánh giá, chỉ số này cho thấy các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như: giảm thuế (giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối); giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đã bắt đầu có tác dụng…

Về nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá do nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, sức mua trên thị trường thấp; tồn kho của một số ngành còn ở mức cao… sản xuất hàng hóa vì thế tăng chậm lại. Có những thời điểm dù tăng lương cơ bản (từ tháng 5/2012) nhưng sức mua cũng không tăng, vì vậy tác động rất ít đến mặt bằng giá chung.

Thị trường trong nước chủ yếu sôi động trong các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng hàng hóa tiêu thụ vẫn chậm. Các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng không ít trong số đó vẫn trong trạng thái cầm chừng do gặp khó khăn về đầu ra.

Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất song vẫn còn những “rào cản” làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay giá rẻ, nhiều doanh nghiệp ở trong tình trạng không đủ điều kiện cho vay… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra, gây lãng phí các nguồn lực huy động.

Đặc biệt, tồn kho của nhiều sản phẩm ở mức cao, một số ngành hoạt động cầm chừng do thiếu những đơn hàng lớn… Cụ thể, tính đến 1/6, tồn kho của đô uống không cồn tăng 23,8%; thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 25,7%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 23,1%;…

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, Bộ Công Thương cho rằng, cần có các biện pháp kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường thúc đẩy sản xuất phát triển.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 2-3/7 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Hệ thống ngân hàng sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra khoảng 40.000 tỷ đồng để giải quyết hàng hóa tồn kho hiện nay.

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm: Muốn tăng tổng cầu, giảm tồn kho, tăng sức mua thì tín dụng rất quan trọng. Do đó, ngân hàng cần nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận. Đặc biệt, tăng cường tín dụng vào nông nghiệp nông thôn, nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ./.