Ngày 12/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đối thoại kinh tế Việt Nam-Nhật Bản”.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, những năm qua, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-Nhật Bản không ngừng phát triển. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Sẽ có nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới.
Trong năm 2017, Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư; là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều hơn 33,4 tỷ USD.
Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng chế tạo xuất khẩu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô và tăng sản phẩm chế tạo, chế biến có giá trị cao hơn. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu linh kiện của Việt Nam là 27,9%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của khu vực và ASEAN.
Theo khảo sát của Jetro, gần đây, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 2 trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư. Lĩnh vực sản xuất là điển hình cho hợp tác thành công của Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian qua. Các tên tuổi lớn như Toyota, Honda, Canon, Panasonic… đều đã có mặt tại Việt Nam.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhận định, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như: nông nghiệp, du lịch, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vận tải, phân phối… Đặc biệt, với GDP hơn 200 tỷ USD, Việt Nam hiện nằm trong top 6 nước phát triển mạnh nhất trong lĩnh vực bán lẻ.
Ngoài ra, với các lợi thế như: nguồn lao động trẻ và dồi dào, năng lực cạnh tranh cao về giá cả…Việt Nam sẽ là thị trường đầy tiềm năng và là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá cao những triển vọng kinh doanh và đầu tư với Việt Nam. Đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có thể đến tìm hiểu trực tiếp về các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam có mẫu mã đa dạng, có khả năng đáp ứng các yêu cầu cao về chất lượng của thị trường Nhật Bản.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, để thu hút được làn sóng đầu tư từ Nhật Bản trong thời gian tới và tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định CPTPP vừa được ký kết, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt phải giữ vững cam kết và niềm tin của các nhà đầu tư./.
Dấu ấn đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản năm 2017