Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam mới đây, nhiều chuyên gia nhận xét, các doanh nghiệp và nền kinh tế đang đối diện với thực tế rất khó khăn, đặc biệt là số doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động gia tăng. Còn số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, tình trạng thiếu việc làm, số lao động thất nghiệp cao.

Dự tính có 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động

Thứ trưởng Đặng Huy Đông dẫn số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KHĐT) cho biết: Tính đến ngày 30/11/2012, cả nước đã có 65.091 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 418.853 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng DN và giảm 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Số lượng DN tạm dừng hoạt động và giải thể là 48.473 DN, trong đó 39.936 DN dừng hoạt động và 8.537 DN đã giải thể. Số DN giải thể tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

1anhdn.jpg
Ông Bùi Anh Tuấn: Số DN giảm như hiện nay là phù hợp với quy luật

Còn ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng dẫn chứng cho thấy lượng DN đăng ký thành lập mới giảm dần qua từng quý so với năm 2011. Cụ thể, quý I/2012 thành lập 17.820 DN; quý II/2012 thành lập 16.195 DN; quý III thành lập 16.978 DN, quý IV có 17.300 DN thành lập).

Theo ông Tuấn, số DN đăng ký thành lập mới giảm nhiều nhất trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, tài chính (trước luôn tăng trưởng 6-7%/năm), đồng thời số DN giải thể trong lĩnh vực này cũng lớn nhất. Đặc biệt, những lĩnh vực trước đây không phải thế mạnh thì năm 2012 lại có số DN đăng ký mới tăng lên, như: giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch.

“Đây là xu hướng điều chỉnh trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nó mang tính tích cực khi chuyển từ lĩnh vực mang tính thời điểm, phục vụ nhu cầu nhất thời (bất động sản, xây dựng…) sang lĩnh vực mang tính bền vững và lâu dài hơn”- ông Tuấn đánh giá.

So sánh với các nước như Nhật Bản và Mỹ, ông Tuấn cho rằng, việc doanh nghiệp rời khỏi thị trường hằng năm của các quốc gia này khoảng 11-15%. Do đó, con số 48.473 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể của Việt Nam cũng nằm trong khoảng giới hạn này.

Theo dự báo của ông Tuấn, đến hết năm 2012, có khoảng 55.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, nhưng lại có 65.000 doanh nghiệp thành lập mới. Số DN giảm như hiện nay là phù hợp với quy luật. Còn DN thành lập mới cũng phù hợp với nội lực của nền kinh tế.

Gần 1 triệu lao động thất nghiệp

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,58 triệu người, tăng 2,3% so với năm 2011; Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46,95 triệu người, tăng 0,87%; Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2012 là 51,69 triệu người, tăng 2,7% so với năm 2011.

Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 3,25%, khu vực nông thôn là 1,42% (năm 2011 các tỷ lệ tương ứng là: 2,22%; 3,60%; 1,60%).

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35% (năm 2011 các tỷ lệ tương ứng là: 2,96%; 1,58%; 3,56%). Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với các tỷ lệ tương ứng của năm 2011, nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước (từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012). Tỷ lệ thất nghiệp giảm, song xét về số tuyệt đối, số người thất nghiệp lại tăng. Hiện số người thất nghiệp khoảng 931.000, số người thiếu việc làm là 1,45 triệu, tăng khoảng 195.000 người so với năm 2011.

Tổng cục Thống kê đánh giá, điều này cho thấy mức sống của người dân còn thấp, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển mạnh nên người lao động không chịu cảnh thất nghiệp kéo dài mà chấp nhận làm những công việc không ổn định với mức thu nhập thấp và bấp bênh./.