Sáng 10/7, Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM lấy ý kiến đóng góp của các hội ngành nghề vào Đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 do UBND phố thực hiện.

Các hội ngành nghề của thành phố cho rằng, công nghiệp hỗ trợ của thành phố đang yếu từ việc cung cấp dịch vụ, linh kiện cho sản xuất của doanh nghiệp nội đến doanh nghiệp FDI. Cụ thể như trong ngành Hóa nhựa - Cao su, phần lớn nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa, phụ gia và máy móc, khuôn mẫu, thiết kế…có đến 70%-80% từ nhập khẩu.

Thực tế đó có nhiều nguyên nhân như nền tảng doanh nghiệp thấp, thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu thông tin thị trường, chính sách hỗ trợ của chính quyền chưa cụ thể…

thanh_lap_trung_tam_ho_tro_cong_nghiep_ho_tro_hqwf.jpg
Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin bổ ích. (Ảnh: Internet)
Doanh nghiệp kiến nghị thành phố nên có một số chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp vay vốn, có mặt bằng trong các khu chế xuất - khu công nghiệp để hình thành các xưởng công nghiệp hỗ trợ; bổ sung sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vào danh mục kích cầu đầu tư…Trước mắt, thành phố cần sớm thành lập Trung tâm phát triển Công nghiệp hỗ trợ, hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông.

Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị- Tổng giám đốc Công ty CP Việt Hương, hoạt động trong lĩnh vực dệt nhuộm cho rằng, cần gấp rút xúc tiến thành lập một trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất nguyên phụ liệu.

“Ở trung tâm này các doanh nghiệp này có thể tìm thông tin, kể cả thông tin thị trường, thông tin nguyên liệu, thông tin về kỹ thuật, lao động. Hiện giờ ngành nào cũng có quyền nhưng cuối cùng không ngành nào có trách nhiệm làm việc này”, ông Chi nêu rõ.

Đề án phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm và hai ngành công nghiệp truyền thống dệt may và da giày./.