Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia và các doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng chuyển hoạt động lên môi trường số. Do vậy, việc phát triển và đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, giúp cho các DN khởi nghiệp giành lợi thế và cũng là giải pháp cho các tổ chức, DN mô hình truyền thống tiếp tục tồn tại, phát triển.
Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần III với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" do Bộ TT&TT tổ chức ngày 11/12, các diễn giả đại diện nhiều DN đã tập trung bàn về các giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, đẩy mạnh giao thương và phát triển bền vững sau đại dịch.
Chia sẻ về những ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển hệ thống điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hoá đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống.
“Từ năm 2019, EVN đưa toàn bộ 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối xong với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt. EVN có riêng ứng dụng chăm sóc khách hàng để người sử dụng có thể tự tra cứu tiền điện, sản lượng điện. Đơn vị cũng ứng dụng AI chăm sóc khách hàng. Trong đó, các cuộc gọị đến trung tâm khách hàng có đến 1/3 được trả lời bằng chatbot”, ông Lâm thông tin.
Cũng theo đại diện EVN, tính đến nay đã có 29,5 triệu hợp đồng mua bán điện được số hóa. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN. Hiện hệ thống giám sát điều khiển của EVN có đến 96,45% các trạm 110kV là không người trực, với trạm 220kV là 75%, với 63 trung tâm điều khiển từ xa.
"EVN mong muốn tạo thành hạ tầng, năng lượng chung để các DN cùng kết nối, cung cấp trải nghiệm khách hàng, nhân viên. Sau đại dịch, với kịch bản tăng trưởng dự đoán 8,2%/năm, EVN xác định giải pháp chuyển đổi số, số hoá là một trong những động lực tăng trưởng của toàn ngành”, ông Lâm nêu rõ.
Khẳng định khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số, ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam cho biết, kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước.
Tuy nhiên hiện nay, các SME dù nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng vẫn gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin. Do đó, Cloutify đưa ra mô hình phần mềm như một dịch vụ (SAAS) để thay vì mua cả một nền tảng số, DN có thể sử dụng phần mềm này và chi trả theo từng tháng, dùng tới đâu trả tới đó như thanh toán chi phí viễn thông. DN có thể tiếp cận với các nền tảng công nghệ cao với chi phí hợp lý hơn.
Cùng với đó, Cloudtify phát triển công nghệ điện toán đám mây giúp các SME không cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, máy chủ và nhân lực để quản trị. DN có thể sở hữu những điều này từ đám mây đến website, mobile để có thể giảm chi phí, tập trung vào kinh doanh cốt lõi, tiếp cận với công nghệ tăng năng suất cao như AI, Internet of things...
“Đến nay, Cloudtify đã chuyển đổi số cho 2.000 DN, dự kiến con số này sẽ tăng lên 10.000 DN đến năm 2025. Cloudtify tin rằng, nền tảng số chắc chắn là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và các SME chắc chắn sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, không chỉ tác động về kinh tế mà còn tác động về tinh thần khởi nghiệp cũng như các yếu tố văn hóa. Với niềm tin đó, Cloudtify cùng các đối tác đang cố gắng hết sức mình để phấn đấu cho sự nghiệp phát triển các DN”, ông Quân cho biết.
Mang đến cái nhìn tổng quan về giải pháp công nghệ, ông Hà Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho rằng, dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã khiến 45.611 DN ngừng hoạt động, 28,2 triệu người lao động mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Chính vì vậy, chuyển đổi số giúp các DN tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Kiên, trong cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, vẫn thấy nhiều DN có sự tăng trưởng đột phá từ việc chuyển đổi số để thích nghi. Bài toán tồn tại và phát triển của các DN chính là đã giải quyết được vấn đề tương tác giữa đội ngũ lãnh đạo với nhân viên, tập thể gắn kết với nhau tạo hiệu suất công việc cao bằng các công cụ giao tiếp phổ biến như Facebook, Zalo... Tuy nhiên, nền tảng số của nước ngoài gặp khó khăn trong việc hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, thời gian...
“Thực tế thời gian qua đã có sự dịch chuyển từ nền tảng số nước ngoài sang Make in Việt Nam. Các nền tảng số Make in Việt Nam có sự linh hoạt, có đội ngũ kĩ thuật sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng DN và điều quan trọng là sản phẩm thường có chi phí thấp hơn. Các nền tảng số trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của các DN, nhưng điều quan trọng là các DN số trong nước cần phải làm thế nào để các tập đoàn, DN trong nước hiểu và tin dùng sản phẩm "Make in Vietnam", ông Kiên chỉ rõ./.