Theo ông Hoàng Văn Dũng- Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), môi trường kinh tế ngày càng cạnh tranh khốc liệt và việc ứng dụng thành tựu công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí giao dịch và thời gian.

“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu chúng ta không ứng dụng thương mại điện tử thì khó có thể tận dụng được hết những cơ hội về kinh tế mà thế giới mang lại”, ông Dũng nhấn mạnh.

Hoangvandung.jpg

Theo ông Hoàng Văn Dũng, doanh nghiệp không chủ động ứng dụng thương mại điện tử sẽ khó có cơ hội phát triển

Ông Dũng cũng cho biết, trong những năm vừa qua, VCCI luôn đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Vì trong thực tế hiện nay, doanh nghiệp nào không chủ động ứng dụng thương mại điện tử sẽ khó có cơ hội phát triển.

Phân tích về lợi thế khi sử dụng thương mại điện tử, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương nêu rõ, thương mại điện tử để giúp các nhà sản xuất, nhà phân phối biết đến các doanh nghiệp để mua hàng. Thông qua thương mại điện tử, đối tác tìm hiểu và tự tìm tới nhau.

Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Duy Khiên cho rằng, doanh nghiệp chưa chủ động tích cực tham gia thương mại điện tử. Biểu hiện ở chỗ có những doanh nghiệp không có website hay nếu có thì đưa những thông tin không cần thiết.

“Các doanh nghiệp nên thuê những công ty, chuyên gia thiết kế website một cách chuyên nghiệp và tạo ấn tượng, thuận lợi cho người sử dụng. Tùy vào đặc điểm công ty, nên đưa những thông tin, hình ảnh để đối tác hiểu được năng lực, trình độ, kỹ nghệ sản xuất của doanh nghiệp chứ không phải đưa quá nhiều nội dung, hình ảnh khiến tốc độ truy cập bị ảnh hưởng, không thuận lợi cho người muốn tìm hiểu”, ông Nguyễn Duy Khiên nhấn mạnh.

Số liệu từ Tập đoàn Alibaba.com- website giao dịch thương mại uy tín hàng đầu thế giới cho thấy Việt Nam chưa dùng nhiều công cụ thương mại điện tử để tiếp cận thị trường phục vụ xuất khẩu.

Ông Timothy Leung, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Alibaba.com nhấn mạnh, thương mại điện tự có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong xu hướng hiện nay. Các nước phát triển chiếm hơn 90% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu, trong đó riêng phần của Bắc Mỹ và châu Âu đã lên tới trên 80%.

Không riêng gì Việt Nam, ông Timothy Leung khẳng định khoảng cách ứng dụng thương mại điện tử giữa các nước phát triển và đang phát triển vẫn còn khá xa, trong khi nhu cầu từ các nước nhập khẩu sử dụng thương mại điện tử là rất lớn, thì các nước xuất khẩu đang phát triển lại chưa phát triển theo kịp.

Tính tới hết quý 4/2010, trên Alibaba.com có 18 triệu thành viên quốc tế đăng ký từ hơn 240 quốc gia trên thế giới, trong đó chỉ có 150.000 thành viên từ Việt Nam.

Thương mại điện tử là một kênh hữu ích để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể tham gia vào sân chơi lớn mà ở đó, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận hàng triệu người mua trên thế giới mỗi ngày. Tình hình mới đã và đang tạo cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Vậy không có lý do gì các doanh nghiệp lại không tích cực tham gia vào các sàn thương mại điện tử để tăng lợi thế cạnh tranh./.