Dự kiến trong năm nay, “Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản” (gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết. Chính phủ Việt Nam tham gia đàm phán hiệp định này nhằm tránh cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang châu Âu phải làm trách nhiệm giải trình theo quy chế gỗ của châu Âu (EUTR).
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung chuyên xuất khẩu gỗ sang EU vẫn còn “lơ mơ” về các nội dung của Hiệp định và thẳng thắn bày tỏ lo ngại về khả năng “đẻ” thêm thủ tục hành chính cũng như giấy tờ so với hiện nay. Điều này đã phần nào được tháo gỡ trong Hội thảo “Kết nối và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp ngành gỗ” vừa diễn ra tại Bình Định.
“Lơ mơ” thông tin về Hiệp định
Ông Nguyễn Tích Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Phát (Bình Định) cho biết, mỗi năm Công ty nhập khẩu khoảng 15 ngàn m3 gỗ để sản xuất các mặt hàng xuất sang EU với doanh thu năm 2014 khoảng 12 triệu USD. Hiện doanh nghiệp này vẫn phải giải trình nguồn gốc gỗ theo Quy chế gỗ của EU và chưa thấy vướng mắc gì.
Sản xuất, đóng gói sản phẩm gỗ xuất khẩu sang châu Âu |
Còn khi hỏi về VPA/FLEGT, ông Hoàn thẳng thắn, mặc dù đã được thông tin qua các buổi hội thảo, tập huấn của Hiệp hội gỗ và được phỏng vấn trong đợt khảo sát đầu năm ngoái, nhưng đến nay ông vẫn còn lơ mơ về nội dung và tiến trình đàm phán Hiệp định. “Tôi có nghe nói đến Hiệp định cũng như đàm phán, nhưng theo kiểu vỉa hè” - ông Hoàn cho hay. Cũng như ông Hoàn, ông Đặng Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Lâm đặc sản Quảng Nam bày tỏ: “Tôi rất ít thời gian tìm hiểu thông tin về Hiệp định. Vì Hiệp định chưa ký kết nên chưa quan tâm nhiều. Hiện tôi không biết các vòng đàm phán đang đi tới đâu?”.
Theo bà Vũ Thị Hằng, chuyên gia dự án “Nâng cao năng lực cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông trong quá trình thực thi FLEGT” - qua đợt khảo sát giữa kỳ đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khu vực miền Trung vào tháng 6/2015, các doanh nghiệp đã bước đầu nắm bắt thông tin về Hiệp định này, song không đồng đều. Có doanh nghiệp cử cán bộ chuyên trách xuất nhập khẩu theo dõi tiến trình đàm phán, một số ít chủ doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn. Song cũng có chủ doanh nghiệp chỉ nghe “thoang thoảng” qua phương tiện thông tin đại chúng, còn phần lớn “do quá bận” nên dường như không có thời gian tìm hiểu. So với năm ngoái thì năm nay có thêm nhiều thông tin rõ ràng và cụ thể hơn do các dự án cung cấp cho đối tượng doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin.
Không đáng ngại phát sinh thủ tục, hồ sơ
Sau khi Việt Nam và EU ký kết VPA/FLEGT, Việt Nam sẽ thiết lập một hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (gọi tắt là TLAS) để xác minh và cấp phép FLEGT cho các chuyến hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU. Để được cấp phép FLEGT, doanh nghiệp phải đủ giấy tờ chứng minh các sản phẩm làm từ gỗ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bàn ghế ngoài trời của VN được thị trường châu Âu ưa chuộng |
Theo thông tin mới nhất mà đoàn đám phán cung cấp, Việt Nam đã đàm phán thành công để EU chấp nhận cả 7 loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp, và DN hay hộ nông dân chỉ cần có 1 trong 7 loại giấy tờ đó theo quy định là có thể chứng minh được tính hợp pháp của gỗ. VPA đưa ra Định nghĩa gỗ hợp pháp dựa trên cơ sở luật pháp hiện hành của Việt Nam. Như vậy, VPA sẽ giải quyết các khó khăn hiện nay. DN và hộ trồng rừng cung cấp gỗ chỉ cần tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt nam là sau này có thể đáp ứng được các yêu cầu của VPA. Nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp cũng chưa nắm được điểm cơ bản này.
Ông Đặng Công Quang, Phó TGĐ Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam cho rằng: “Cấp phép FLEGT cho từng lô hàng thì thực sự khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu cấp cho từng chuyến hàng lại càng vất vả hơn”. Làm thế nào để những doanh nghiệp nào làm ăn tốt, đáng tin cậy có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không mất nhiều thời gian lo thủ tục, giấy tờ phát sinh là điều các doanh nghiệp đều quan tâm.
Những vấn đề và câu hỏi mà doanh nghiệp quan tâm đã được các chuyên gia tham gia trong đoàn đàm phán tháo gỡ trong Hội thảo “Kết nối và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp ngành gỗ” do Trung tâm Giáo dục và Phát triển phối hợp với VCCI Đà Nẵng tổ chức tại Bình định ngày 26/6/2015 vừa qua.
Trước một quy định mới, doanh nghiệp ngại phát sinh thủ tục hồ sơ là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng giống như Đạo luật Lacey hay EUTR cuối cùng thì doanh nghiệp cũng thích nghi. Khác với đạo luật Lacey và EUTR, VPA không mang tính áp đặt mà theo hệ thống luật pháp của nước sản xuất gỗ. Tại Hội thảo, ông Trần Văn Triển – Phó Trưởng phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, cho biết, định nghĩa gỗ hợp pháp là do Chính phủ Việt Nam đưa ra dựa trên pháp luật Việt Nam chứ không phải do EU áp đặt.
Hiện nay, để xuất khẩu được gỗ sang thị trường EU, DN đang phải làm trách nhiệm giải trình, nghĩa là DN cũng phải có giấy tờ chứng minh gỗ hợp pháp. Như vậy, DN chỉ cần tuân thủ tốt các quy định về sử dụng đất, khai thác/nhập khẩu, hải quan, vận chuyển, buôn bán gỗ, đăng ký kinh doanh, thuế… thì đã đảm bảo 4/7 nguyên tắc về gỗ hợp pháp theo pháp luật Việt Nam, còn lại chỉ là các vấn đề về kinh doanh, môi trường và xã hội. Vì thế mà việc thích ứng với VPA-FLEGT sẽ không gặp nhiều khó khăn như các DN tưởng tượng.
Ông Triển cũng cho biết thêm, với việc cấp phép FLEGT, nếu DN muốn đảm bảo thời gian đơn hàng thì chủ động nộp hồ sơ sớm. Sau khi cơ quan kiểm lâm duyệt, hồ sơ sẽ tự động được chuyển sang đơn vị cấp phép là Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cấp Việt Nam (CITES) để cấp phép. Một cổng thông tin điện tử cũng sẽ được xây dựng để DN có thể xin cấp phép online để tránh việc chồng chéo thủ tục và quan liêu, giảm chi phí và thời gian đi lại cho DN.
Cũng tại hội thảo, đại diện Ban chỉ đạo Lacey-FLEGT, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, sau khi Hiệp định ký kết, sẽ phải mất một thời gian để xây dựng hệ thống cấp phép, doanh nghiệp vẫn sẽ làm trách nhiệm giải trình bình thường theo EUTR, như vậy các DN sẽ có thời gian chuẩn bị nên không cần phải quá lo lắng về việc xin giấy phép.
Thời hạn ký kết VPA giữa Chính phủ Việt Nam và EU vẫn chưa chốt, nhưng những lợi ích mà VPA mang lại thì vẫn được nhiều chuyên gia ghi nhận. Ông Đào Tiến Dũng - Chánh văn phòng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), cho rằng: “Vấn đề không phải là có ký VPA hay không mà những lợi ích nó mang lại từ khi Việt Nam tham gia đàm phán rất rõ ràng. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình tốt lên rất nhiều, việc này giúp ích rất nhiều cho DN, giúp DN tuân thủ pháp luật tốt hơn, mở rộng tên tuổi trên thị trường thế giới”
So với EUTR, DN phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại thì việc ký kết và thực thi VPA tại Việt Nam trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho DN Việt Nam rất nhiều. Các DN nên chủ động tiếp cận với các trang tin chính thống về FLEGT-VPA để hiểu rõ hơn nội dung Hiệp định và nắm bắt tiến trình đàm phán. Đặc biệt, làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục cấp phép, tính minh bạch và sự hợp lý của các chi phí trong cấp phép FLEGT vẫn còn là câu hỏi cần có sự tham gia ý kiến từ các DN và các hiệp hội doanh nghiệp./.