Quản lý nhà nước yếu kém

Theo Bộ NN-PTNT, thời gian qua, giá nguyên liệu (giống, thức ăn, thuốc thú y…) tăng, nhiều bệnh trên cá tra nuôi vẫn xuất hiện, trong khi đó giá bán thấp (từ 19.000 đến 22.000 đồng/kg) nên người nuôi thường xuyên thua lỗ. ĐBSCL hiện có trên 70 doanh nghiệp chế biến cá tra. Trong đó, có một số doanh nghiệp do thiếu vốn hoặc còn số lượng tồn kho nên hoạt động cầm chừng.

catra2_anhvasep.jpg
Chi phí đầu vào cho nuôi cá tra ngày càng tăng (Ảnh: Vasep)

Hiện tượng doanh nghiệp kéo dài thời gian trả tiền mua cá, người nuôi bị chiếm dụng vốn diễn ra khá phổ biến. Ngay cả những hộ nuôi theo hình thức liên kết đầu tư cũng bị một số doanh nghiệp nợ và không trả trong thời gian dài…

Theo khảo sát của Tổng cục Thuỷ sản, đến hết tháng 7/2013, dư nợ cho vay nuôi trồng cá tra 8.125 tỉ đồng, tăng hơn 4,2% so với thời điểm cuối năm 2012; dư nợ thu mua, chế biến, xuất khẩu cá tra 14.784 tỉ đồng. Những con số này cho thấy, ngành cá tra sẽ tiếp tục khó khăn nếu không có giải pháp kịp thời.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, phân tích: Khó khăn hiện nay của ngành cá tra đã tích tụ từ lâu. Do kinh tế thế giới khó khăn, thị trường xuất khẩu kém đi; trong nước thì thắt chặt tín dụng (từ 2011-2012) đã ảnh hưởng đến quá trình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Các doanh nghiệp và người nuôi cá tra “đói” vốn, khó vay ngân hàng nên phải tự bơi bằng nhiều cách, trong đó có cách bán xả hàng. Một số doanh nghiệp đã bán phá giá để cạnh tranh. Thậm chí có doanh nghiệp giảm giá bán bằng cách giảm chất lượng từ khâu nuôi cá. Điều này làm giá cá xuất khẩu ngày càng giảm. Khi đó, doanh nghiệp quay lại mua cá nguyên liệu cũng phải giảm giá, nên người dân nuôi cá không có lãi. Thực tế này đã làm mất đi uy tín của con cá tra Việt Nam.

Dù vậy, vẫn có không ít chủ ao mong thị trường sẽ sáng lại nên tiếp tục vay vốn để nuôi (vay ngân hàng không được thì vay nóng ở ngoài). Nhưng giá cá bán ra vẫn không tăng, thậm chí giảm, trong khi chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, thức ăn… tăng liên tục. Đến 2013, người nuôi cá không còn sức chịu đựng nữa nên một số hộ đã phải treo ao, nghỉ nuôi.

“Với mức giá hiện nay, dù có bơm vốn người nuôi cũng không dám nuôi, vì không thể tiếp tục chịu lỗ nữa và thị trường chưa có dấu hiệu khả quan”- ông Bình nhấn mạnh.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, theo ông Bình, sản lượng cá tra làm ra đã mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Trong đó, lỗi từ quy hoạch vùng nuôi, công suất nuôi nên mà không nắm rõ nhu cầu, xu hướng thị trường, nên cá nguyên liệu dư thừa, doanh nghiệp lại “đè” giá mua. Cạnh đó, công suất chế biến của nhà máy đã tăng quá nhanh, hiện đã lớn hơn công suất nuôi của nông dân nhiều lần.

Ông Bình lấy ví dụ, từ năm 2008, nông dân nuôi 1,5 triệu tấn cá thì thừa khoảng 500 ngàn tấn. Đầu tháng 8/2013, thống kê công suất nhà máy lên tới 2 triệu tấn/năm, vẫn đang gấp đôi công suất của người dân nuôi cá. Từ 2008 đến nay, tiếp tục phát triển công suất nhà máy. Vì với công suất hiện tại, đến năm 2020 vẫn đáp ứng được, không cần thêm công suất nhà máy nữa. Để xảy ra tình trạng này, ông Bình khẳng định, do “quản lý nhà nước lĩnh vực này kém, không theo kịp thực tế”.

Phải dám hy sinh những nhà máy yếu kém

Theo phân tích của ông Lê Chí Bình, công tác quản lý yếu kém nên cứ thấy doanh nghiệp nói có thị trường tốt thì các tỉnh cho mở thêm nhà máy chế biến, xuất khẩu cá tra. Mà diện tích ao nuôi tăng, sản lượng tăng, công suất nhà máy tăng, nhưng giá bán cá lại giảm.

Do đó, nếu muốn ổn định lại ngành cá tra, ông Bình đặc biệt đề nghị: Phải chấp nhận hy sinh những nhà máy yếu kém. Phải đóng cửa thật sự chứ không phải chuyển từ ông chủ này sang ông chủ khác. “Nếu không dám hy sinh một số doanh nghiệp, không cơ cấu lại doanh nghiệp thì càng… chết. Các doanh nghiệp tự bơi sẽ dẫm lên nhau để tồn tại. Họ giành thị trường bằng mọi giá, sẽ phá giá... thì các doanh nghiệp khác sẽ chết. Rồi đến lượt doanh nghiệp phá giá đó cũng sẽ chết”.

Giá bán cá tra giảm khiến người nuôi lỗ nặng (Ảnh: KT)

Đồng thời, cần phương án nữa là có quy định để tất cả người nuôi, chế biến, xuất khẩu… cá tra phải tham gia vào Hiệp hội Cá tra. Ở đó sẽ có tiếng nói chung, thống nhất sản lượng nuôi; cơ cấu lại mặt hàng để tăng giá trị.

Để Hiệp hội Cá tra hoạt động thực sự hiệu quả, theo ông Bình, cần được Nhà nước trao quyền để là cánh tay nối dài của Nhà nước tại cơ sở trong việc quản lý, giám sát sản xuất, tiêu thụ cá tra. Hội phải có quyền nhất định để có thể chế tài bằng đòn bẩy kinh tế và đề xuất các bộ, ngành liên quan xử lý. Ví dụ, Hiệp hội phát hiện DN nào làm ăn không đúng, phá giá thì đề nghị quản lý nhà nước rút giấy phép.

Còn nếu cứ để như hiện tại sẽ không hiệu quả, vì Hiệp hội vẫn đang làm theo kiểu vận động, ai nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Tác động của Hiệp hội đang như “đấm bịch bông”...

Cùng với đó, phải khảo sát và quy định vùng nào chỉ phù hợp nuôi con cá nào, tiêu chuẩn thế nào; giá tối thiểu sẽ là bao nhiêu. “Hiện tại, chúng ta đang đi ngược.  Doanh nghiệp muốn bán bao nhiêu cũng được, rồi họ đem giá đó về áp lại giá mua nguyên liệu. Như thế, người nông dân nuôi cá luôn bị động, thiệt thòi”.

Do đó, quan trọng là phải nắm bắt thị trường. Nuôi phải biết bán cho thị trường nào? Nhu cầu chất lượng nào? Giá như thế nào? Và ai đứng ra tổ chức tiêu thụ? Nắm rõ các điểm này thì hãy đứng ra vận động nông dân làm, không thể mang nông dân ra làm thí nghiệm. “Buồn nhất là nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, nhưng trong ngành cá tra này, Nhà nước không điều tiết được. Biết làm sai cũng không có chế tài gì để xử lý. Rõ ràng, nói như hô khẩu hiệu suông thôi”- ông Bình nhấn mạnh./.