Gia đình ông Hà Hữu Phương, ngư dân ở phường 9 Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có đoàn tàu lưới đèn 5 chiếc; trong đó có 2 chiếc đóng theo Nghị định 67 vào năm 2016. Để đóng 2 phương tiện này, gia đình ông phải vay từ ngân hàng 14 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 3%/năm. Qua gần 6 năm hoạt động, ông chỉ mới trả được 50% nợ cho ngân hàng.
Ông Phương cho biết, từ ngày xảy ra dịch Covid-19 và giá dầu ở mức cao nên đánh bắt kém hiệu quả, có nhiều chuyến ra khơi về không đủ chi phí. Trong khi đó, cứ mỗi quý gia đình ông là phải trả tiền nợ, lãi cho ngân hàng từ “2 chiếc tàu 67” là 200 triệu đồng.
“Cầm cự tới nay là do lấy doanh thu của các chiếc tàu khác bù cho 2 chiếc 67 chứ mà 2 chiếc 67 không hoạt động thì không thể nào trả tiền ngân hàng nổi. Khó khăn nhất là giá nguyên liệu tăng, ngư trường hạn hẹp, phương tiện thì đông, làm không hiệu quả. Đề nghị ngân hàng có biện pháp giản nợ, xóa nợ hoặc hỗ trợ chi phí cho ngư dân bám biển, có vốn đi khai thác chứ mà năm bờ không có tiền đóng lãi, nếu chậm đóng lãi thành nợ xấu” - ông Phương đề nghị.
Hơn một năm qua, nghề khai thác biển của ngư dân Tiền Giang gặp khó khăn, rất nhiều phương tiện hết vốn phải nằm bờ. Nguyên nhân chính vẫn là sản lượng khai thác thủy sản giảm, chi phí tăng cao do nhiên liệu tăng vọt, giá cả đầu ra sản phẩm bấp bênh; thời tiết bất thường, dòng chảy của biển diễn biến phức tạp...
Đối với tàu 67 thì phải "ôm" thêm khoản nợ từ ngân hàng. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ ở từng lúc, từng nơi còn triển khai chậm, thủ tục khó khăn; trong đó chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, hỗ trợ thuế VAT khi đóng tàu, mua thiết bị máy móc, đã cắt giảm, chính sách hỗ trợ ngư dân thất nghiệp trong thời gian cao điểm dịch bệnh năm ngoái đến nay còn chậm...
Chỉ tại thành phố Mỹ Tho đã có ít nhất 5 phương tiện đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động không hiệu quả, chủ phương tiện không chi trả nổi các khoản nợ ngân hàng nên phải bán thanh lý nợ.
Ông Nguyễn Văn Cường, ngư dân Thanh phố Mỹ Tho, chủ một tàu gỗ 67 cũng còn nợ ngân hàng hơn 3 tỷ đồng chia sẻ: “Đánh bắt quá eo hẹp, không riêng gì giá dầu tăng còn nguồn thủy sản cạn kiệt và ảnh hưởng của thời tiết. Lúc trước, nhà nước cho khấu trừ thuế VAT, trừ 10% tôi sẽ được trừ ra 1 tỷ. Nhưng sau nhà nước không cho trừ, vì ai đóng tàu trước 2015 thì được khấu trừ mà theo quyết định của UBND tỉnh thì năm 2016. Từ chỗ đó ngư dân ôm nợ luôn”.
Đối với tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đóng mới theo NĐ 67 tại tỉnh Tiền Giang cũng không khỏi tình cảnh khó khăn. Năm 2017, ông Nguyễn Văn Như, phường 4, Thành phố Mỹ Tho vay ngân hàng Agribank- chi nhánh Tiền Giang 26 tỷ đồng để đóng tàu sắt hành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, với giấy phép hoạt động tại các vùng biển Việt Nam và Malaysia.
Do xảy ra dịch Covid-19 nên tàu chỉ hoạt động được 6 chuyến tại vùng biển trong nước nhưng không hiệu quả do sản lượng thu mua thấp. Hiện nay, phương tiện này nằm tại bến gần cả năm, chưa hẹn ngày ra khơi, chủ phương tiện còn nợ ngân hàng 18 tỷ đồng.
“Tôi kiến nghị Nhà nước kéo dài thời gian trả nợ lên 25 năm (thay vì 16 năm). Thứ hai là xóa bỏ thế chấp tàu kèm với bất động sản, vì theo Nghị định 67 thì chỉ thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nhưng cuối cùng ngân hàng buộc phải kèm theo giấy bất động sản của tôi vô thế chấp. Theo NĐ 67 thì hỗ trợ ngư dân rất nhiều, về đóng tàu, sửa chữa tàu, hỗ trợ tiền dầu, hỗ trợ 10% thuế VAT mua các loại máy móc, thiết bị trên tàu... nhưng cuối cùng ngư dân chúng tôi phải chịu các khoản thuế” - ông Nguyễn Văn Như kiến nghị.
Từ năm 2015, Tiền Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ 41 tàu cá đóng mới được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó có 37 tàu khai thác và 4 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đến nay, ngư dân Tiền Giang đã đóng được 32 tàu theo Nghị định này. Hiện nay, nhiều phương tiện này đang gặp khó, trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân đóng mới phương tiện đánh bắt xa bờ là chủ trương đúng và rất cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm đoàn tàu 67 của ngư dân Tiền Giang đang “nợ chồng nợ” từ ngân hàng. Ngư dân đang rất cần được chính quyền và các ngành chức năng địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, để có điều kiện tiếp tục ra khơi, bám biển./.