Nhiều tháng nay, con tàu vỏ thép công suất 822CV của ngư dân Trần Văn Chiến, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế phải nằm bờ sau những chuyến ra khơi thua lỗ.

Ông Chiến cho biết, ra khơi thua lỗ liên tục nên không có tiền trả nợ, số nợ quá hạn lên hơn 700 triệu đồng. Cách đây 3 năm, ông Chiến bán con tàu vỏ gỗ 320CV hành nghề lưới vây rồi vay ngân hàng 17 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Lúc đó, ông tin những chuyến ra khơi bằng con tàu hiện đại này sẽ mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng trả hết nợ ngân hàng. Thời gian đầu ra khơi, tàu cá của ông Trần Văn Chiến đánh bắt khá hiệu quả, ông trả được gần 450 triệu đồng cho ngân hàng nhưng các chuyến biển sau đó thì thua lỗ triền miên.

 “Sau khi tôi chuyển qua tàu này, tàu to máy lớn nhưng thất thu quá nhiều, tổng nợ của tôi là 18,4 tỉ đồng. Mà hiện nay chỉ làm một mùa, không biết khi nào trả hết nợ cho Nhà nước”, ông Chiến nói.

tau_11_qdfk.jpg
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Chiến phải nằm bờ.

Trường hợp của ngư dân La Văn Thoạn, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang còn bi đát hơn cảnh ngộ của ông Chiến. Năm 2017, ông Thoạn vay hơn 7,8 tỷ đồng đóng tàu công suất 700 CV. Sau một thời gian dài ra khơi thua lỗ, hơn 1 năm trở lại đây, tàu của ông Thoạn phải nằm bờ. Tàu càng lớn, chi phí lao động, nhiên liệu, ngư cụ, bảo trì, tăng gấp nhiều lần so với con tàu trước đây. Thu nhập mỗi chuyến biển có tăng lên nhưng không đủ bù chi, dẫn tới thua lỗ nặng. Bây giờ, số nợ quá hạn của ông đã hơn 1,4 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương có 23 tàu cá đóng mới theoNghị định 67. Phần lớn ngư dân đóng tàu từ nguồn vốn vay ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hầu hết các tàu cá làm ăn hiệu quả, chỉ có 3 tàu mới thua lỗ, thế nhưng nhiều chủ tàu chây ỳ không chịu trả nợ cho ngân hàng.

“Địa phương quán triệt tuyên truyền bà con ngư dân các tàu đóng theo Nghị định 67 trả nợ cho đúng chu kỳ. Nhưng hiện nay có một số tàu làm ăn rất khá, một tháng thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng nhưng họ không trả cho nên địa phương tiếp tục vận động, phối hợp với ngân hàng đề ra một số giải pháp tối ưu để sớm thu hồi nợ cho Nhà nước”, ông Ngô Văn Đủ cho hay.

Tại tỉnh Thừa thiên - Huế có 40 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Tổng số tiền các ngân hàng thương mại cho vay đóng tàu hơn 300 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện dư nợ vốn cho vay đóng tàu tại tỉnh này gần 255 tỷ 900 triệu đồng.

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: “Về việc khó khăn trong thu hồi nợ vay theo Nghị định 67 thì hiện nay, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ để thu hồi, các tổ này do lãnh đạo huyện và các phòng ban liên quan làm việc với người dân, đốc thúc họ hoàn trả vốn vay này theo Nghị định. Đối với một số trường hợp ngư dân khó khăn, cũng đã có các chính sách để hỗ trợ như, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ tiền để duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ vốn lưu động để phục vụ sản xuất”.

Thực tế cho thấy, nhiều “chủ tàu vay vốn 67” làm ăn rất hiệu quả nhưng ý thức trách nhiệm trả nợ và thực hiện các cam kết tín dụng của chủ tàu chưa cao, có hiện tượng không chịu hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ. Ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Thừa Thiên - Huế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Qua khảo sát tại địa bàn, có hiện tượng chây ỳ không trả nợ, bởi doanh thu dòng tiền từ chuyến biển của họ. Năm 2018 và năm 2019 thu hoạch từ biển rất tốt và thời tiết khá thuận lợi. Vấn đề ở đây là họ không chịu trả nợ. Đề xuất chính quyền là hết sức hỗ trợ cho ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp tuyên truyền vận động. Chủ tàu mà còn không nhận thức được chúng tôi sẽ dùng các giải pháp mạnh hơn”, ông Trần Đình Khoái nhấn mạnh./.