Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Nam đóng mới tàu công suất lớn. Tuy nhiên, dù tàu to, máy lớn, nhưng thời gian gần đây việc đánh bắt hải sản đạt năng suất thấp, giá cả bấp bênh, chi phí mỗi chuyến đi biển tăng cao, dẫn đến nhiều ngư dân chuyển sang làm nghề khác. Cũng theo phản ánh của ngư dân, hiện nay nhiều tàu cá xuống cấp không có kinh phí sửa chữa khiến cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn.

Anh Đỗ Văn Tiến, ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Là chủ tàu cá QNa 93455, trước đây, gia đình anh Tiến đi biển bằng tàu gỗ. Hơn 3 năm nay, anh Tiến đã mạnh dạn đóng mới tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ.

Được Ngân hàng cho vay 15,3 tỷ đồng, gia đình anh góp thêm 1,5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá. Sau 2 năm hoạt động, tàu cá của anh Tiến phải nằm bờ vì ngư cụ lạc hậu, không phù hợp với điều kiện đánh bắt. “Tàu cá vỏ thép giờ nằm bờ hư hỏng nhiều trong khi chủ tàu không có tiền chi tiêu, tiền trả ngân hàng cũng khó khăn”, anh Tiến nói.

vov_tauca2_mkaa.jpg
Ngư dân Đỗ Văn Tiến lo lắng vì tàu cá QNa 93455 của mình nằm bờ 2 năm nay.

Theo ngư dân Phạm Hiên - chủ tàu QNa 93789, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, tàu của ông đã nằm bờ hơn 1 năm nay. Tàu cá không hoạt động nên rỉ sét, xuống cấp nặng nề. Nhìn khối tài sản hơn 16 tỷ đồng nằm phơi nắng phơi mưa, ông Phạm Hiên không khỏi xót xa. Theo ông Hiên, hiện nay mỗi chuyến ra khơi chi phí rất lớn nhưng sản lượng hải sản đánh bắt thấp, không đủ bù chi phí nên ngư dân dễ lâm cảnh nợ nần.

“Mấy chuyến đầu sau khi đóng tàu khai thác có hiệu quả, nhưng 2 năm trở lại đây tàu khai thác kém hiệu quả do lưới và ngư cụ đã lỗi thời. Tàu giờ nằm bờ nên kinh tế ngư dân bấp bênh, khó khăn. Chi phí mỗi chuyến biển hết 60 triệu đồng nên phải kiếm được 100 triệu đồng mới có lãi”, ông Hiên cho biết.

Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam cho biết, tại địa phương có có 9 tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Sau thời gian hoạt động, nhiều tàu khai thác không hiệu quả, một số tàu nằm bờ không vươn khơi do khan hiếm lao động đi biển, ngư cụ chưa phù hợp. Trước thực tế này, huyện đã đề nghị với các ngành chức năng có hướng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. 

“Phần lớn tàu cá đóng mới sau một thời gian hoạt động đã không chứng tỏ hiệu quả. Ngư dân vay vốn ngân hàng đóng tàu phải trả lãi trong khi đó đánh bắt không hiệu quả nên người dân không mặn mà đi biển, chỉ còn lại một số tàu đi cầm chừng nên hiệu quả của Nghị định 67 không được phát huy. Huyện đã đề nghị với các cấp, các ngành chức năng của tỉnh có hướng để tháo gỡ hỗ trợ điều kiện về đánh bắt, nguồn vốn để sữa chữa tàu, giãn nợ, khoanh nợ cho người dân yên tâm tiếp tục bám biển”, ông Cường cho biết.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 63 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, trong đó có 13 tàu lưới rê hỗn hợp. Hiện nay, nghề lưới rê hỗn hợp hoạt động không hiệu quả nên đã có 5 tàu chuyển đổi qua nghề chụp mực. Trước tình trạng nhiều tàu cá nằm bờ, ngành nông nghiệp đang xem xét và đề xuất hướng giúp đỡ bà con.

“Nghị định 67 hỗ trợ một số chính sách về phát triển thủy sản hỗ trợ cho dân vay vốn đóng mới, trang thiết bị mới tàu thuyền, chính sách hỗ trợ duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho bà con. Trong thời gian vừa qua, bà con có ra khơi đánh bắt, nhưng một số tàu phản ánh nguồn lợi suy giảm nên doanh thu của nhiều chủ tàu giảm sút, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Sở đang chỉ đạo Chi cục thủy sản xuống kiểm tra lại”, ông Tấn cho hay./.