Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước các doanh nhân hàng đầu Hoa Kỳ trong buổi gặp đêm qua 27/9, (theo giờ Việt Nam) đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt hưởng ứng.

bo-3-hoanh-trang.jpg
Thủ tướng và các Bộ trưởng tại buổi đối thoại (ảnh VOV)

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Trong nhiều năm qua Việt Nam đã nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, bị tàn phá bởi chiến tranh, đã trở thành nước có thu nhập trung bình, là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài, đã đạt và vượt nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Hiện nay chúng tôi đang quyết tâm đưa đất nước phát triển bền vững, trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Song song với các cải cách ở trong nước, Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Minh chứng cho điều này, Thủ tướng cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành đàm phán 6 Hiệp định thương mại tự do quan trọng với các khu vực và trung tâm kinh tế hàng đầu trên thế giới, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), các FTA với EU, với Liên minh thuế quan Nga – Belarus- Kazakhstan, với Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), và với Hàn Quốc.

“Với triển vọng hoàn tất các Hiệp định này, nhất là Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến quan trọng, hấp dẫn của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, với vị trí địa chiến lược quan trọng, Việt Nam sẽ đóng vai trò cầu nối đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thống nhất sẽ hình thành vào năm 2015” – Thủ tướng bày tỏ niềm tin trước các DN Hoa Kỳ.

Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận: Việt Nam tham gia đàm pháp TPP trong điều kiện Việt Nam có trình độ thấp nhất trong 12 thành viên. Điều này, khi Tổng thống Obama gặp tôi đã nói rằng Hoa Kỳ rất hiểu Việt Nam và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. “Khó khăn đàm phán TPP không còn ở Hoa Kỳ mà ở các nước khác” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết thêm, Việt Nam đang huy động ngoài nhà nước, nước ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện không chỉ cho đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài.

“Tôi kêu gọi các nhà DN Hoa Kỳ tham gia đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng, giáo dục…. Việt Nam đang tập trung sức lực trong nước và nước ngoài vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển. Việt Nam hiện đang có 16.000 người đang học tập tại Hoa Kỳ”.

Về tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả. Chúng tôi cũng mở cửa đầu tư công cho DN nước ngoài tham gia thông qua TPP.

Cuối cùng, chúng tôi đang tăng cường và thực hiện hiệu quả là nâng cao năng lực quản lý của cơ quan nhà nước Việt Nam. Điều này sẽ chứng tỏ một điều rằng Việt Nam là thành viên tích cực, xây dựng của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi mong các bạn ủng hộ tiến trình cải cách ở Việt Nam, để góp phần đầu tư thương mại thành công ở Việt Nam.

Thủ tướng cũng nhắc lại sự kiện mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đã thống nhất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hy vọng, Hoa Kỳ sẽ là bạn hàng, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

“Sự kết hợp hài hòa giữa tiến trình cải cách trong nước và hội nhập quốc tế là những nền tảng căn bản để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nên một diện mạo năng động mới cho kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn chiến lược quan trọng này, chúng tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang và sẽ đầu tư kinh doanh ở Việt Nam” – Thủ tướng nói.

Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam

Thủ tướng nhắc lại, từ đầu những năm 1990, các doanh nghiệp Hoa Kỳ là những người tiên phong đã thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ, và tiếp đó đóng góp quan trọng vào các bước phát triển mạnh mẽ của quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với tổng kim ngạch song phương lên đến 25 tỷ USD năm 2012 và đứng vị trí thứ 7 trong danh sách các nền kinh tế có đầu tư vào Việt Nam với 660 dự án và 11 tỷ USD vốn đăng ký.

Trên cơ sở thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ và nhất là việc cam kết hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP sớm nhất có thể trong năm nay, tôi cho rằng đây là thời điểm vô cùng thuận lợi để Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ được bổ sung và nhân lên bởi các nguồn động lực to lớn, hình thành từ những “điểm đồng” trong điều chỉnh chính sách của hai nước, cụ thể là việc Mỹ điều chỉnh trọng tâm hợp tác với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trong khi Việt Nam triển khai hội nhập quốc tế toàn diện.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng kỳ vọng các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tương xứng với tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam cam kết không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Mỹ nói riêng.

Về những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó tập trung vào một số nhóm biện pháp chính như: tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư- kinh doanh, sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tài chính; xem xét tăng ưu đãi đầu tư với những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...

“Tôi cho rằng đây cũng là những lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ có nhiều lợi thế, tạo thêm cơ sở để các bạn đưa ra các quyết định phát triển kinh doanh tại Việt Nam” – Thủ tướng nói.

Cuối bài phát biểu của mình, Thủ tướng nhắn nhủ các DN Hoa Kỳ: "Các bạn không nên phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam. Bây giờ, doanh nghiệp Hoa Kỳ đưa ra những vụ kiện chống trợ cấp, bán phá giá với 12 mặt hàng của Việt Nam - đây đều là những mặt hàng nông sản có giá trị rất nhỏ với Hoa Kỳ nhưng liên quan đến hàng triệu người dân nghèo của Việt Nam. Vừa rồi, việc Hoa Kỳ hủy mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm Việt Nam là một quyết định đúng đắn, bởi đó là những đối xử rất không công bằng, khách quan đối với Việt Nam. Tôi xin nhấn mạnh, những hàng hóa đó không lớn với Hoa Kỳ nhưng rất lớn với Việt Nam, gắn với kế sinh nhai của hàng triệu người lao động nghèo của Việt Nam. Hy vọng các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ ủng hộ Việt Nam ở những đòi hỏi chính đáng như vậy"./.