Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Ngài Karolos Papoulias - Tổng thống Cộng hoà Hy Lạp từ 11 - 16/10/2008, hôm nay (14/10), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Đại sứ quán Hy Lạp và Liên đoàn Doanh nghiệp Hy Lạp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hy Lạp.

Tham dự Diễn đàn có hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu của Hy Lạp và gần 100 doanh nghiệp Việt Nam.Theo ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI Diễn đàn được tổ chức nhằm cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước về tình hình kinh tế, môi trường pháp lý và cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hy Lạp. Diễn đàn cũng là dịp tốt để doanh nghiệp hai nước trực tiếp gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, cùng trao đổi về các dự án và các chiến lược hợp tác cho hiện tại và tương lai.

Việt Nam và Hy Lạp thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, từ đó tới nay, quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước luôn phát triển tích cực. Năm 2007 kim ngạch thương mại song phương đạt trên 88 triệu USD, kim ngạch 6 tháng đầu năm 2008 đạt khoảng 73 triệu USD. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Duy Khương, quan hệ giữa 2 cộng đồng doanh nghiệp còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của 2 nước. Việt Nam và Hy Lạp là 2 nền kinh tế năng động có nhiều điểm bổ sung tốt cho nhau. Với tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam đang chủ động hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và đã trở thành thành viên của ASEAN, APEC, WTO. Không chỉ là một thị trường lớn với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam còn là cầu nối với khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Trung Quốc. Trong khi đó, Hy Lạp là cửa ngõ quan trọng ở Nam Âu, qua đó có thể tiếp cận vào thị trường EU rộng lớn. Lãnh đạo cấp cao của 2 đất nước đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương. Doanh nghiệp Việt Nam và Hy Lạp cần tích cực khai thác thế mạnh của 2 nền kinh tế, tiềm năng và cơ hội mới để đưa quan hệ hợp tác giữa 2 cộng đồng doanh nghiệp lên một tầm cao mới.

Tính đến ngày 30/9/2008, đã có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với trên 9.300 dự án và tổng vốn đăng ký là trên 130 tỷ USD, trong đó đã thực hiện giải ngân được gần 50 tỷ USD. Chỉ riêng 9 tháng qua, Việt Nam đã tiếp nhận 57 tỷ USD vốn đăng ký FDI. Hiện Việt Nam được xếp thứ 6 về nhận vốn FDI trên thế giới chỉ sau ngày gia nhập WTO được gần 2 năm.

Phát biểu tại diễn đàn ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã đã khái quát những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được, nêu rõ những khó khăn mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt, đồng thời khẳng định: Với tiến trình cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế, với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nguồn nhân lực trẻ, có trình độ văn hoá cao, an ninh bảo đảm, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và kinh doanh.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh tin rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước, với sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác Việt Nam – Hy Lạp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, giao thông đường biển, du lịch, văn hoá… sẽ phát triển mạnh mẽ, đánh dấu một thời kỳ mới hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam và Hy Lạp trong thế kỷ 21.

Thay mặt Tổng thống Karolos Papoulias, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hy Lạp Petros Doukas đã có bài phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp hai nước khẳng định: Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Hy Lạp đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa, mở rộng hơn nữa. Hai nền kinh tế năng động với tài nguyên thiên nhiên phong phú, thị trường rộng lớn đồng thời lại là cửa ngõ và cầu nối vào các khu vực ASEAN và EU chắc chắn tạo ra những cơ hội tốt cho sự  hợp tác giữa các doanh nghiệp. Lãnh đạo cấp cao của hai nước cũng đang quan tâm tạo lập những hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, thương mại đầu tư. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tăng cường quan hệ, tiếp cận với nhau nhiều hơn nữa để hiểu biết về khả năng, nhu cầu của nhau và thiết lập các mối quan hệ chiến lược, hợp tác lâu dài vì lợi ích chung.

tong-thong.jpg
Tổng thống Karolos Papoulias và phu nhân tham dự Diễn đàn

Thứ trưởng Petros Doukas cho biết: Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống lần này là những doanh nghiệp hàng đầu của Hy Lạp và họ mong muốn được đẩy mạnh đầu tư và giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Hy Lạp cho biết họ chờ đợi chuyến đi này từ lâu và Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực Châu Á.

Tại Diễn đàn, doanh nghiệp Hy Lạp cũng được nghe ông Marios Mitromaras, Giám đốc kinh doanh INTRALOT châu Á- Thái Bình Dương và ông Alan Cany, Giám đốc Eurocham chia sẻ những kinh nghiệm và triển vọng trong làm ăn  với Việt Nam. Hai vị giám đốc khẳng định với các doanh nghiệp Hy Lạp: “Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho đầu tư”.

Theo ông Alan Cany, nền kinh tế Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc, năng động và khởi sắc. Đặc biệt, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng được cải thiện, thông thoáng hơn, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “Trong khi những lời đồn thổi về lạm phát chưa được kiểm chứng rõ ràng, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách tích cực để ổn định nền kinh tế. Chính vì vậy chúng tôi tin tưởng và an tâm khi đầu tư dài hạn vào Việt Nam. Hy Lạp hãy coi Việt Nam là cơ sở sản xuất tại châu Á”- ông Alan Cany nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Karolos Papoulias lần này, hai nước đã ký một loạt các Thoả thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Hy Lạp. Ngoài ra hai bên cũng ký các văn kiện về kinh tế, công nghiệp, kỹ thuật, du lịch... để đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Hai bên cũng làm việc về thoả thuận đầu tư trong lĩnh vực hàng hải và chống đánh thuế hai lần.../.

Làn sóng đầu tư mới từ Hy Lạp

Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam, Platon Alexis Hadjimichalis trong cuộc trả lời phỏng vấn VCCI cho biết đây là lần đầu tiên Tổng thống Hy Lạp sang thăm chính thức Việt Nam. Tháp tùng Ngài Tổng thống lần này còn có đoàn 35 doanh nghiệp hàng đầu của Hy Lạp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, hợp tác đầu tư, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, chế biến gạo, nông sản, sợi bông, dầu thực vật, xây dựng, đóng tàu, đồ gỗ, đồ điện, bồn  nước nóng, mỹ phẩm, đồ làm vườn, phân phối, tư vấn, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm,  xổ số, năng lượng tái sinh, giáo dục, du lịch, phần mềm IT... Đây là những ngành đặc biệt có thế mạnh của Hy Lạp, sang tìm kiếm đối tác Việt Nam...

** Ông có nhận định gì về cán cân thương mại cũng như làn sóng đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới? - Hiện nay, cán cân thuơng mại hai chiều còn thấp, khoảng 32 triệu USD/năm, tuy nhiên tôi tin tưởng rằng trao đổi thương mại 2 nước sẽ nâng lên tầm cao mới. Hy Lạp là thành viên EU, có thế mạnh trong lĩnh vực hàng hải, đóng tàu, du lịch, xây dựng, giáo dục... đây là những lĩnh vực chúng tôi có thể đẩy mạnh hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một thị trường trẻ đầy hấp dẫn, có nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ... Đây là những lý do khiến nhiều doanh nghiệp Hy Lạp rất muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng kết hợp giữa hai nước nhằm mở rộng thị truờng khu vực ASEAN tại EU...

** Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, xuất khẩu sang thị trường Hy Lạp. Tuy nhiên thông tin thị trường lại quá ít khiến họ còn e ngại.- Hy Lạp là một thị trường không lớn, nhưng là một thị trường phát triển và là thành viên EU. Chính vì vậy mà hàng hoá vào được Hy Lạp cũng có nghĩa là vào được thị trường EU. Hy Lạp là một thị trường mở. Tôi cũng tin tưởng rằng các sản phẩm hàng đầu của Việt Nam như quần áo, cà phê, hải sản... có thể đầu tư hoặc xuất khẩu vào thị trường Hy Lạp với mức thuế rất ưu đãi./.