Theo Báo cáo vừa được công bố mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực về cơ bản đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, qua các cuộc điều tra, khảo sát của các doanh nghiệp lại cho thấy, hiện nay các vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thì thủ tục hành chính vẫn là trở ngại lớn, điển hình là những dự án có công trình xây dựng.

Với những dự án như vậy, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục tại nhiều cơ quan quản lý khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau, liên quan tới nhiều công đoạn. Cùng với đó là những chồng lấn xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền đã và đang gây ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Điều tra hơn 2.100 doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm gần đây ở 13 thủ tục hành chính cho thấy, đa số các doanh nghiệp nhận xét khá tích cực trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng. Phí, lệ phí đúng với nội dung niêm yết hoặc văn bản quy định; cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đúng quy định pháp luật- là hai nhận định được khoảng 90% doanh nghiệp đồng ý.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi phí không chính thức là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan kéo dài hơn so với quy định. Cùng với đó, việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin thực hiện các thủ tục còn chưa tiếp cận đến tất cả các doanh nghiệp, 25% doanh nghiệp cho rằng, vẫn thiếu tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính.

Công tác thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp với khoảng 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan Nhà nước; Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát. Các nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch đô thị vẫn đang là những trở ngại lớn đối với doanh nghiệp:

“Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì về mặt chính sách tương đối thuận lợi, tuy nhiên góc nhìn từ thực tế thì thấy rằng là bộ phận doanh nghiệp cũng tương đối lớn vẫn gặp khó khăn. Nhiều điều tra chúng tôi có thể thấy rằng là rất nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam rất nhạy cảm về thủ tục hành chính. Nếu thủ tục hành chính là quá phiền hà khó khăn thì họ không có cơ hội, động lực, không có cách nào để lớn hơn được. Chính vì vậy mà cải cách thủ tục hành chính vẫn là một giải pháp trọng tâm” - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, nếu nhìn ở mặt văn bản hành chính thì thấy, số lượng các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng hiện đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục hành chính trên thực tế dường như không giảm tương xứng, bởi khi doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các thủ tục này thì vẫn là “nổi khổ trần ai”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo dẫn chứng: “Hiện nay tất cả trên hệ thống đều có nộp hồ sơ online, nhưng thực tế thì không làm được, khi nắm bắt được thông tin này các doanh nghiệp cũng rất vui mừng khi Bộ Xây dựng đã nộp hồ sơ online và họ rất hào hứng thực hiện các thủ tục, nhưng cuối cùng thì cũng không thực hiện được. Cuối cùng lại phải nộp bản giấy thì, việc nộp hồ sơ online là một trong những yêu cầu rất tốt của Chính phủ, tuy nhiên về hiệu quả thực thi lại chưa cao”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, việc đơn giản hóa các loại giấy tờ, mẫu biểu, đặc biệt là thực hiện liên thông hoặc tích hợp các thủ tục liên ngành sẽ giảm đáng kể về gánh nặng tuân thủ của doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng, dư địa cải cách vẫn còn nhiều, cần thiết phải tăng cường giám sát thực thi, tập trung hiệu quả vào thực hiện giao dịch điện tử. Do đó, nhằm giảm các chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, yêu cầu đang đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước là tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh vực có liên quan; xây dựng cơ chế phối hợp để giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính.

Để giảm chi phí không chính thức cần phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến để doanh nghiệp có thể thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế việc nhũng nhiễu. Tăng tính minh bạch và liêm chính trong tiếp nhận xử lý hồ sơ; Xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính.

Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho rằng: “Để cải cách thực chất được việc triển khai thực hiện thủ tục trên thực tế cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương thì Bộ Xây dựng cũng sẽ có nghiên cứu đánh giá toàn diện về việc triển khai thực hiện chỉ số cấp phép này của từng địa phương. Từ đó có sự đánh giá và có sự xếp hạng giữa các địa phương với nhau”.

Chỉ số Cấp phép xây dựng là một trong 10 chỉ số quan trọng được Ngân hàng thế giới dùng để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế, có ý nghĩa và tầm quan trọng, ảnh hưởng tới đánh giá của quốc tế về môi trường đầu tư, kinh doanh ở các nền kinh tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Để cải thiện thứ hạng so với các nền kinh tế trên thế giới việc thúc đẩy cải cách các các thủ tục hành chính là yêu cầu tiếp tục đặt ra trong thời gian tới.

Các cơ quan chức năng và Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, tìm hiểu nguyên nhân để cải thiện tình hình này, đồng thời, tiến hành đánh giá công khai các cán bộ giải quyết hồ sơ để nâng cao trách nhiệm cũng như hạn chế được những tiêu cực./.