Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở của phần lớn cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, chương trình nhà ở xã hội đã phần nào đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của một bộ phận dân cư thành phố. Tuy nhiên, hiên nay nhu cầu về nhà ở rất lớn so với nguồn cung.

Thời gian gần đây, nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh được nhắc đến nhiều nhất với sự mong đợi của nhiều người. Bởi đây là chương trình do nhà nước hoặc tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng.

bds12_dxa.jpg
Tại TP HCM, lượng người có nhu cầu mua nhà ở xã hội đông, nhưng nguồn cung còn hạn chế (Ảnh minh họa)

Người dân mong đợi nhiều vì đối tượng xét duyệt bán, cho thuê được mở rộng hơn so với trước đây. Điều này đã đem lại hạnh phúc cho không ít gia đình cán bộ, công nhân viên chức, có nhu cầu về nhà ở nhưng thu nhập thấp như trường hợp của anh Huỳnh Hữu Hải, hiện đang công tác tại Trường giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 2 thuộc lực lượng thanh niên xung phong thành phố. Anh vừa được sở hữu căn hộ 53m2 trong đợt bàn giao nhà ở xã hội đầu tiên của thành phố vào tháng 9 vừa qua tại chung cư 157 R8, Tô Hiến Thành, quận 10.

Thế nhưng không phải ai cũng may mắn mua được nhà ở xã hội như anh Hải, bởi lượng người có nhu cầu mua đông, trong khi đó nguồn cung còn hạn chế. Mặc dù thành phố đã vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội và các nguồn vốn ngoài ngân sách xây dựng nhà ở xã hội  phục vụ nhu cầu nhà ở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang  thành phố. Đặc biệt, thành phố đã vận dụng phương thức hoán đổi quyền sử dụng đất để lấy quỹ nhà phục vụ nhu cầu xã hội nhưng cũng mới giải quyết được 30% nhu cầu.

Hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội tại thành phố là 150.000 người trong khi đó thành phố chỉ có 3.000 căn nhà ở xã hội. Khó khăn trong vấn đề nhà ở xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay xuất phát từ hai phía.

Ở phía khách hàng có nhu cầu về nhà ở xã hội thấy rằng trong thực tế nguồn thu nhập của đối tượng thuê, mua nhà ở xã hội không đồng đều và hiện nay mức độ thu nhập của hộ gia đình các đối tượng chính sách này rất thấp.

Phần lớn các đối tượng được xét duyệt thuê, mua nhà ở xã hội chưa có khả năng thực hiện được nghĩa vụ của mình trong phần thực hiện chi trả 20% tổng hợp đồnggiá trị. Bên cạnh đó, các đối tượng chưa tiếp cận được với nguồn tài chính cho vay dài hạn với lãi xuất ưu đãi hơn.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh nói: "Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi được trả dần trong 10 năm nhưng giá vẫn khá cao so với thu nhập của một phần lớn cán bộ công nhân viên chức và người lao động tại thành phố Hồ Chí Minh. Thu nhập bình quân của 1 gia đình khoảng 9 triệu/tháng tuy nhiên với khoản chi phí phải trả ban đầu từ 5 đến 6 triệu cũng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của công nhân viên chức lao động".

Về phía doanh nghiệp bất động sản, lý thuyết là khi tham gia chương trình xây dựng nhà ở xã hội doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn giảm thuế, được hỗ trợ vốn vay, miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất...nhưng trên thực tế họ rất khó để tiếp cận các chính sách này. Cho nên, trong điều kiện bất động sản đóng băng như hiện nay, doanh nghiệp rất muốn bán được hàng nhưng chưa mặn mà với chương trình nhà ở xã hội. Chính Sở xây dựng, 1 trong những đơn vị trực tiếp xét duyệt dự án nhà ở xã hội cũng thừa nhận điều này.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM nói: nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với chương trình bởi doanh nghiệp chưa tiếp cận được một cách dễ dàng nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho dự án phát triển nhà ở xã hội rất lớn mà thời gian thu hồi vốn lâu. Doanh ngiệp tham gia nhà ở xã hội phải chấp nhận lợi nhuận thấp điều này chưa bù được chi phí đầu tư tại dự án của mình.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội trước mắt thành phố sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 dự án với quy mô 3.000 căn ở nhà ở xã hội trong năm nay. Thành phố phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành 17.500 căn. Để đảm bảo kế hoạch đã đề ra, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các quận huyện rà soát các đối tượng thuộc 8 nhóm đối tượng thụ hưởng qua đó tạo cơ sở để các quận huyện chủ động thực hiện kế hoạch nhà ở xã hội của mình trong từng năm và phối hợp với sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên - Môi trường tạo quỹ đất sạch phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội của thành phố./.