Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục giải ngân từ ngày 1/6 với lãi suất ưu đãi cho những người mua nhà đã ký hợp đồng vay vốn trước 31/3/2016.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có thêm văn bản nào về phương án gia hạn giải ngân, khiến nhiều người mua nhà theo gói 30 nghìn tỷ đồng lại phải đối mặt với việc có thể phải chịu mức lãi suất theo thỏa thuận từ các ngân hàng vay vốn.
Nhiều người vay tiền từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để mua nhà hiện đang lo lắng khi phía ngân hàng thương mại cho hay, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước nên phương án lãi suất trong đợt giải ngân tiếp theo sẽ không phải là 5%.
Chị Hoa, một người vay vốn từ ngân hàng BIDV để mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hiện ngân hàng đã giải ngân 3 đợt, tương đương hơn 400 triệu đồng. Số tiền hơn 300 triệu đồng còn lại sẽ được giải ngân trong vài tháng nữa. Những tưởng sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi, nhưng chị Hoa lại bất ngờ khi nhận được thông tin phải chịu lãi suất thỏa thuận từ phía ngân hàng.
"Khi tôi liên hệ với BIDV thì họ thông báo chưa có thông báo chính thức của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc sau 1/6 giải ngân với lãi suất ưu đãi, bây giờ họ đang chào với mức lãi suất 7 đến 10%, năm tiếp theo thì có thể cao hơn nữa. Tiến độ là tháng 11 nhận nhà thì giải ngân đợt cuối 25%, ngân hàng thông báo là sẽ phải chịu lãi suất thương mại vì chưa có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước," chị Hoa nói.
Hàng loạt khách hàng khác tham gia vay gói 30.000 tỷ đồng ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tại những ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, ... cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Phía ngân hàng đưa ra mức lãi suất thỏa thuận từ 7-10% trong năm đầu, nếu không chấp nhận trả mức lãi suất này, họ sẽ đối mặt với việc hoặc phải nộp phí phạt trả chậm hoặc bị chủ đầu tư thanh lý hợp đồng mua nhà, thậm chí còn bị phạt thêm 20% giá trị hợp đồng.
Một người thu nhập thấp đang vay gói 30 nghìn tỷ đồng kiến nghị: "Sau khi Thủ tướng có ý kiến và Ngân hàng Nhà nước có văn bản chính thức thì mới áp dụng được. Như vậy những người giải ngân sau 31/5 và đến trước khi có văn bản trả lời của Ngân hàng Nhà nước, thì phải chịu theo đúng hợp đồng mua bán và theo Thông tư trước đây, tức là sẽ thỏa thuận lãi suất. Tôi mong mỏi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trả lời sớm và Ngân hàng Nhà nước ra văn bản sớm để những người mua nhà được yên tâm."Dừng gói 30.000 tỷ: Chủ đầu tư và người dân đều “lưu luyến”
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, tính đến 30/4/2016, tổng số tiền đã cam kết cho vay theo gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là gần 34 nghìn 500 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 24 nghìn tỷ đồng. Khi chưa có quyết định chính thức về phương án gia hạn giải ngân gói 30 nghìn tỷ, thì sẽ không có cơ sở tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi.
Phương án thỏa thuận lãi suất của các ngân hàng thương mại với khách hàng được cho là tạm thời trong thời gian đợi quyết định chính thức, nhưng đã gây hoang mang cho người mua nhà khi phải đối diện với nguy cơ trả lãi suất cao.
Nhìn nhận về thực tế này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, chính sách gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng là đúng, nhưng quá trình triển khai gặp nhiều lúng túng do không được tính toán hợp lý ngay từ đầu. Nếu thời gian chờ hướng dẫn, chờ tái cấp vốn còn dài thì sẽ gây khó khăn cho tất cả các bên.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: "Bây giờ khách hàng có thể rơi vào tình trạng bị rủi ro hoặc không được giải ngân tiếp, sẽ rất dang dở, bị vi phạm hợp đồng, nguy cơ mất nhà. Hoặc là nếu thực hiện thì đương nhiên sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi. Nếu ngân hàng nào bố trí được nguồn vốn, cho vay với lãi suất thấp, thông cảm với khách hàng thì còn đỡ, còn ngân hàng nào họ không mặn mà với việc giải ngân tiếp thì họ có thể đưa ra lãi suất còn cao hơn lãi suất thương mại bình thường. Chính phủ không nhanh chóng có quyết định kịp thời cho hay không cho thì sẽ rất khó cho cả 2 bên, thậm chí 3 bên khách hàng, ngân hàng và chủ đầu tư."
Người mua nhà theo gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng là đối tượng lao động có thu nhập thấp, cần được hỗ trợ về nhà ở, nhất là tại các đô thị lớn. Nhưng việc triển khai gói 30 nghìn tỷ đồng đến hồi kết vẫn lúng túng, khiến nhiều người thu nhập thấp rơi vào tâm trạng mệt mỏi vì chờ đợi chính sách, liên tục là “thế yếu” khi đối diện với việc phải trả lãi suất theo thỏa thuận, vượt quá khả năng chi trả của họ. Tiến thoái lưỡng nan, người thu nhập thấp chỉ còn biết trông đợi vào những quyết định kịp thời từ phía cơ quan chức năng./.
>> Cảnh báo người vay gói 30.000 tỷ có thể dính "bẫy" lãi suất cao