Hàng chục dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội (NOXH) với hàng nghìn khách hàng chỉ biết ngậm ngùi khi mất cơ hội tiếp cận với gói 30.000 tỷ đồng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu dừng ký hợp đồng mới với gói tín dụng này từ ngày 31/3.

mua_nha_qdrv.jpg
Nhiều người dân được vay gói mua nhà 30.000 tỷ nhưng chưa giải ngân hết theo tiến độ vẫn thấp thỏm chờ đợi quyết định về lãi suất của Chính phủ

Người mua nhà và chủ đầu tư hoang mang

VnExpress cho hay, từ hôm nay, 31/3, NHNN yêu cầu dừng ký hợp đồng mới với toàn bộ các khách hàng của chương trình do gói chính sách này đã tiêu thụ hết "quota". Cụ thể, theo ước tính của nhà điều hành, đến ngày 10/3, các nhà băng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng. Như vậy, với quyết định này, sẽ không có thêm khách hàng được hưởng gói 30.000 tỷ.

Hiện các tổ chức tín dụng mới giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (hơn 71% hạn mức được cấp). Với những khách hàng đã được ký hợp đồng, đã cam kết giải ngân, dù vẫn được giải ngân nốt nhưng số phận lãi suất của các khoản này vẫn chưa được ngã ngũ

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã báo cáo xin Thủ tướng cho phép gia hạn cho các khách hàng đã ký hợp đồng gói 30.000 tỷ (nhưng giải ngân sau ngày 1/6) vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi 5% một năm thay vì lãi suất thương mại (thường là gấp đôi hoặc gấp ba). Nhưng đến nay Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến trả lời cụ thể về vấn đề này.

19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Đại chúng (PVcomBank), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tiên Phong (TPBank), Sài Gòn (SCB), Nam Á, Đông Nam Á (SeaBank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Phương Đông (OCB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Việt Nam Thương Tín (VietBank), Quốc tế (VIB), Quốc dân (NCB), Bảo Việt (BaoVietBank) và Á Châu (ACB).

Báo Tiền phong đưa tin, việc dừng ký hợp đồng mới gói 30.000 tỷ khiến nhiều chủ đầu tư, ngân hàng thương mại và người mua nhà bước vào cuộc chạy đua ký trước ngày được ấn định. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày (từ 28-31/3), số lượng hợp đồng tín dụng mới được ký chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng chục dự án nhà ở thương mại giá rẻ, NOXH với hàng nghìn khách hàng chỉ biết ngậm ngùi khi mất cơ hội bán nhà và mua nhà.

Phải ưu tiên cho vay nhà ở xã hội

Báo Tiền Phong, nhận định, dừng gói 30.000 tỷ, người mua sau phải chịu thiệt. Mới cách đây một tuần, người mua NOXH, nhà ở thương mại giá rẻ có thêm tia hy vọng khi NHNN kiến nghị Chính phủ gia hạn gói tín dụng 30.000 tỷ đồng giải ngân sau 1/6 với hợp đồng tín dụng đã ký. Đồng thời, những hợp đồng tín dụng mới được ký trước ngày đó vẫn được chấp nhận. Không ít chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ để người mua nhà hưởng kịp ưu đãi trước ngày hết hạn.

Niềm tin chưa được bao lâu, ngày 28/3, NHNN phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu dừng ký khiến nhiều chủ đầu tư, ngân hàng thương mại và người mua nhà bước vào cuộc chạy đua ký trước ngày được ấn định. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày, số lượng hợp đồng tín dụng mới được ký chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng chục dự án nhà ở thương mại giá rẻ, NOXH với hàng nghìn khách hàng chỉ biết ngậm ngùi khi mất cơ hội bán nhà và mua nhà.

Trao đổi trên báo Tiền Phong, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (VEPR) cho rằng, NHNN không nên đột ngột dừng cho vay gói 30.000 tỷ đồng. Thay vào đó, nên tạm dừng gói tín dụng này để đánh giá lại hiệu quả của việc triển khai xem có đúng mục tiêu ban đầu và đúng đối tượng không.

“Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều người có mức thu nhập trung bình, thu nhập thấp đã mua được nhà nhờ gói tín dụng này và họ đã về ở. Nếu vẫn còn thời hạn vay nên xem xét với những dự án NƠXH, vì những dự án này đáp ứng đúng mục tiêu ban đầu của gói tín dụng”, ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, cần xem xét lại gói tín dụng này đã được giải ngân đúng đối tượng hay chưa, hay vào tay những người giàu vay với mục đích đầu cơ. Hơn nữa, báo chí đã nêu có những chủ đầu tư ăn theo gói 30.000 tỷ đồng để lừa người mua nhà, dự án của họ không nằm trong diện tiếp cận gói vay nhưng vẫn quảng cáo lừa người mua nhà.

“Nếu đã có hiện tượng trên, NHNN nên dừng lại để rà soát, sau đó đưa ra kết luận có tiếp tục hay điều chỉnh như thế nào, đó là việc nên làm và hết sức bình thường, đó mới là hành xử có trách nhiệm”, ông Thành nói.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, văn bản mới của NHNN “khá sốc” với thị trường, nhất là với các chủ đầu tư và hàng nghìn khách hàng đang chạy đua nước rút mua nhà vay vốn từ gói hỗ trợ này trước hạn 1/6/2016 theo kế hoạch cũ.

Theo ông Châu, đây là gói tài chính hữu hạn, phụ thuộc vào nguồn tái cấp vốn của NHNN. Việc dừng cho vay gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ này là điều đã được biết trước. Tuy nhiên, một văn bản cấp NHNN thường có hiệu lực trong thời gian nhất định, trong khi văn bản hoả tốc chỉ có hai ngày để thông báo mang tính chất đột ngột khiến các bên xoay xở không kịp.

Ông Châu chia sẻ: “Tôi cảm thấy tiếc cho những người chậm chân, trường hợp những khách hàng được ký hợp đồng mua nhà, nhưng chưa được ký hợp đồng vay vốn. Bởi hầu hết đối tượng khách hàng này chỉ có 30% vốn 70% còn lại họ kỳ vọng vay được từ gói tín dụng này, bây giờ dừng ký hợp đồng mới đồng nghĩa với kỳ vọng tạo lập nhà ở của họ đã thất bại. Hiệp hội BĐS TPHCM một lần nữa đề nghị NHNN nên nới thời gian kết thúc trong khoảng 15 ngày đến 1 tháng để tạo điều kiện cho người mua nhà tìm kiếm được nguồn vốn. Bởi vì thông thường văn bản của cơ quan cấp bộ thời gian có hiệu lực trong 1 tháng”.

Không thể kéo dài gói 30.000 tỷ

Chia sẻ với Infonet bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, không có lý do gì để kéo dài thêm gói vay 30.000 tỷ đồng, cũng như kéo dài mãi mức lãi suất vay ưu đãi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: “Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, tại sao lại cứ đòi bao cấp mãi.” Theo ông, những người mua nhà còn những khoản chưa giải ngân được cần trao đổi lại với chủ đầu tư, ngân hàng. Ngoài ra, có thể cầm hợp đồng sang ngân hàng chính sách xã hội để có một khoản vay khác, bù lại cho khoản này.

Gói vay 30 nghìn tỷ được Chính phủ đưa ra khi đó nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Chính phủ chỉ đạo NHNN thông qua gói hỗ trợ kích cầu để kích vào thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp để khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế. Nhưng đến nay “cục máu đông” kia đã “tan”, gói vay 30.000 tỷ đồng giải ngân cũng đạt tới 90% thì coi như vai trò của gói vay này đã hoàn thành, ông Kiên nêu quan điểm.

Việc kéo dài thêm gói vay 30.000 tỷ đồng là khó khả thi, ông Kiên cho biết, đồng thời khẳng định: “Nhà nước có Ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết những vấn đề cho người dân có nhà ở. Nếu người dân không thay đổi, không cập nhật tình hình và giữ thói quen cũ thì không thể được. Nhà nước không thể lo mãi được. Mong muốn mang lại lợi ích cho mình là tốt nhưng không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng chung đến lợi ích của cả nước. Gói vay ưu đãi nào cũng phải đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô chứ không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản để Nhà nước phải tung ra một gói mới hoặc kéo dài gói đó ra, gây ra bất ổn về vĩ mô”./.