Kỳ vọng mới cho thị trường
Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà giá rẻ được "tung" ra thị trường từ ngày 1/6 nhằm 3 mục tiêu: tạo lập nhà ở cho người lao động hưởng lương ngân sách, người có thu nhập thấp; góp phần tiêu thụ và làm ấm thị trường bất động sản; từ đó, giải quyết vật liệu xây dựng tồn kho, tạo việc làm cho người lao động.
Gói tín dụng sẽ dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. 70% còn lại dành cho người dân vay mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Ngay khi có Thông tư 11 của NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, 5 ngân hàng được giao nhiệm vụ giải ngân gói tín dụng này là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB đã tích cực triển khai đến tất cả các chi nhánh trong cả nước, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở trong toàn hệ thống. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, cũng tích cực triển khai phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, tổ chức khởi công các dự án nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, việc cung ứng 30.000 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi vào thời điểm này là rất kịp thời khi thị trường BĐS đang có những tín hiệu tích cực từ phân khúc nhà ở giá rẻ, quy mô nhỏ. Nguồn vốn này tương đương 15% tổng dư nợ BĐS, là con số đáng kể so với tăng trưởng chung của hệ thống ngân hàng, được đưa vào đúng phân khúc nhà ở mà thị trường đang cần chắc chắn sẽ tạo ra tác động tích cực, lan tỏa đến các phân khúc thị trường BĐS khác cũng như một số ngành liên quan.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, gói tín dụng cho vay ưu đãi mục tiêu chính là hướng tới người dân có thu nhập thấp chứ không phải là mục tiêu để cứu thị trường bất động sản. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cần hàng loạt giải pháp tổng thể, đồng bộ, còn gói 30.000 tỷ đồng là thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, hỗ trợ cải thiện điều kiện ở cho người có khó khăn, chứ không nhằm mục đích chính là trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Thất vọng
Gần 6 tháng kể từ khi thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư vay xây dựng nhà ở xã hội và cho cá nhân thu nhập thấp vay mua nhà ở nhưng việc giải ngân rất chậm, trong khi cả người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế đã rất kỳ vọng vào gói tín dụng ưu đãi này.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 30/11, với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay nhà ở, các ngân hàng đã cam kết cho vay đối với 1.256 khách hàng với tổng số tiền 1.562,1 tỷ đồng. Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chưa đạt 2% tổng nguồn vốn.
Việc giải ngân đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đăng ký hợp đồng cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng. Trong số này, có 6 doanh nghiệp đã được giải ngân số tiền 205 tỷ đồng.
Về phía các hộ gia đình, cá nhân tham gia vay gói tín dụng này, thống kê từ 5 Ngân hàng được chỉ định giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho thấy các tổ chức tín dụng cũng đã cam kết cho vay 1.450 khách hàng cá nhân với số tiền là 527 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng đã giải ngân cho 1.436 khách hàng với dư nợ 350 tỷ đồng.
Thực tế, phương thức, cách thức triển khai gói tín dụng, thủ tục giải ngân, các dự án được hưởng gói tín dụng, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp được mua nhà trong chương trình vẫn chưa rõ ràng khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều cá nhân đã mất thời gian và công sức để chuẩn bị hồ sơ vay nhưng hầu như đều chưa vay được. Chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này.
Nhược điểm lớn của thị trường BĐS hiện nay là cung cầu mất cân đối. Điều đó thể hiện ở hàng hóa thị trường chưa cần hoặc không cần, không phù hợp khả năng thanh toán của người dân lại có nhiều, như căn hộ cao cấp, biệt thự. Trong khi đó căn hộ có giá, quy mô vừa phải phù hợp với nhu cầu đích thực của dân và khả năng thanh toán của người dân còn thiếu. Tiến độ chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu diện tích căn hộ quá chậm.
Vướng mắc tiếp cận nguồn vốn 30.000 tỉ đồng không chỉ có các cá nhân, mà các doanh nghiệp cũng vướng. Nhiều doanh nghiệp hăm hở "lao" vào gói 30.000 tỉ, nhưng đụng điều kiện là phải có đất sạch và giấy phép xây dựng. Đến nay, các DN có đất, có giấy phép xây dựng nên chuyển đổi giấy phép xây dựng, công năng rất khó. Trong 9 doanh nghiệp đề xuất vay vốn, nhưng đến nay chỉ mới 1 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này...
Tháo gỡ rào cản
Để khắc phục vấn đề trên, Bộ Xây dựng đang đề xuất giải pháp chuyển một số dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; hoặc căn hộ có quy mô căn hộ lớn, khả năng thanh toán người dân không phù hợp, chuyển sang quy mô vừa và nhỏ.
Bộ này cũng ban hành thông tư nới lỏng các điều kiện vay ưu đãi. Ðối với cá nhân, bổ sung thêm đối tượng được tiếp cận vốn. Ngoài ra, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở không phải xác nhận về thu nhập, nhưng trường hợp các ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo quy định của ngân hàng.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực giải ngân gói tín dụng này cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà. Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu sớm nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch nhân rộng mô hình nhà ở trong vùng lũ tại các địa bàn thường xuyên xảy ra lũ lụt; rà soát, sửa đổi các định mức kinh tế xây dựng để tránh thất thoát, lãng phí.
Trước những thông tin sẽ dừng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: "Chính phủ, NHNN cũng như các cơ quan liên quan không có ý định dừng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện NHNN đang đề xuất bổ sung thêm các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay gói này nếu ngân hàng có nhu cầu. NHNN cũng đang cùng Bộ Xây dựng rà soát lại để triển khai hiệu quả hơn. Việc chuyển đổi từ dự án Nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội sẽ được làm tích cực trong thời gian tới"./.