Ngày 15/3, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước với nội dung, sau ba năm triển khai gói hỗ trợ, đến nay đã giải ngân hơn 20.300 tỷ đồng. Dự kiến, đến ngày 1/6 sẽ giải ngân khoảng 85% và cuối năm 2016 sẽ giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng. Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị NHNN xem xét, giải quyết theo hướng sau ngày 1/6 chưa giải ngân hết gói hỗ trợ thì kéo dài thời hạn giải ngân

Bức xúc, lo lắng khi không còn được hưởng ưu đãi lãi suất thấp 5/năm sau thời điểm 1/6 là tâm trạng chung của rất nhiều người ký hợp đồng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Có thể, người mua nhà bị trục lợi nếu các ngân hàng “chơi không đẹp”...

Nỗi lo của người được “ưu đãi”

Anh Phạm Đức Tiến (quê Hưng Yên) tâm sự, câu chuyện gói 30.000 tỷ chấm dứt lãi suất ưu đãi từ ngày 1/6 là chủ đề chính trong bữa cơm tối của gia đình. Vợ chồng anh Tiến thắc mắc, lúc mua nhà chung cư ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không thấy nhân viên ngân hàng tư vấn đến ngày 1/6/2016 gói ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng sẽ dừng ưu đãi lãi suất, giờ biết thông tin thấy bất ngờ quá. Anh Tiến hỏi chủ đầu tư thì chỉ nhận được lời trấn an, đừng lo lắng.

“Không lo lắng làm sao được, thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng phải chi trả tiền ăn uống, tiền thuê nhà 2,5 triệu đồng/tháng, trả tiền gốc và lãi suất vay ngân hàng… Hiện ngân hàng mới giải ngân được 60%, nếu 40% còn lại vợ chồng tôi phải nộp lãi suất thương mại, nghĩa vụ tài chính sẽ cao hơn, ảnh hưởng tới đời sống, kế hoạch tài chính hằng tháng của gia đình…” - anh Tiến bày tỏ.

bat_dong_san_uszu.jpg
Nhiều người mua nhà lo lắng về gói 30.000 tỷ sắp hết hạn giải ngân 

Cùng tâm trạng với anh Tiến là chị Trịnh Thanh Vân (quê Phú Thọ) hiện đang làm nhân viên kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân bày tỏ, dành dụm mãi vợ chồng chị mới đủ tiền nộp đối ứng mua nhà chung cư giá rẻ, phần còn lại trông chờ vào gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

“Gói tín dụng  này là hỗ trợ cán bộ công chức, người nghèo, thu nhập thấp ở đô thị có thể vay được tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở. Giờ chấm dứt lãi suất 5%/năm, người mua phải trả lãi suất thương mại thì sao còn gọi là tín dụng ưu đãi nữa. Làm như vậy chẳng khác gì đem con bỏ chợ…” - chị Vân bức xúc.

Ngân hàng có trục lợi?

Trước phản ứng của dư luận và lo lắng của người mua nhà, mới đây Vụ Tín dụng các ngành nghề kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đã lên tiếng giải thích, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN có quy định thời gian tái cấp vốn cho các ngân hàng tham gia gói ưu đãi này tối đa là 36 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 1/6/2013)...

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen- group cho hay, có thể vì cái tên “gói ưu đãi” đã khiền nhiều người hào hứng, tin tưởng, giờ xuất hiện thông tin dừng gói vay ưu đãi nên họ thất vọng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới trách nhiệm của các ngân hàng khi nhân viên tín dụng có thể không tư vấn đầy đủ cho khách hàng. Trong khi người mua nhà lo lắng thì trên các trang web nhan nhản xuất hiện thông tin về việc gói 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn.

Thậm chí, một số chủ đầu tư còn mách người mua nhà chiêu “lách luật” như: Tách số tiền chênh khách hàng phải trả cho chủ đầu tư, còn trong hợp đồng chỉ ghi số tiền theo đúng quy định là dưới 1,05 tỷ đồng để được vay tín dụng ưu đãi. Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo khả năng một số ngân hàng “bắt tay” với chủ đầu tư để trục lợi ngay trên lưng người mua nhà. Theo đó, nếu ngân hàng không sòng phẳng sẽ cố tình “găm” vốn, giải ngân chậm sau thời điểm 1/6 để bắt khách hàng phải trả lãi suất thương mại nhằm hưởng lợi.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chạy đua nước rút trước thời điểm 1/6/2016, người mua nhà cần thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật để tránh những rủi ro khi vay vốn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải thực thi trách nhiệm của mình, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay gói 30.000 tỷ hợp đồng, không thể diễn ra tình trạng gọi là ưu đãi để tăng sức mua của người dân rồi sau đó lơi lỏng quản lý để một số ngân hàng trục lợi từ khách hàng./.